Hà Nội: Thấy gì khi khảo sát các công trình di sản trong khu phố cổ?

Sáng ngày 23/6, UBND quận Hoàn Kiếm đã tổ chức báo cáo kết quả “Nhiệm vụ khảo sát các công trình di sản có giá trị trong khu phố cổ Hà Nội”, nhằm xin ý kiến tham vấn của Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam (VUPDA) để hoàn thiện báo cáo này. Chủ tịch UBND quận Hoàn kiếm Phạm Tuấn Long chủ trì cuộc họp với sự tham dự của kiến trúc sư Trần Ngọc Chính – Chủ tịch VUPDA và lãnh đạo các phường liên quan khu phố cổ.

Minh họa Phố cổ Hà Nội. Ảnh nguồn Internet

Theo chủ tịch Quận Hoàn Kiếm, việc khảo sát này nhằm thu thập các số liệu để lập hồ sơ hiện trạng các công trình di sản có giá trị trong khu vực phố cổ, làm cơ sở để đánh giá lại các quy chế, chính sách quản lý còn bất cập và phục vụ cho công tác duy tu, bảo tồn sau này.

Theo báo cáo kết quả khảo sát, hiện nay, số lượng công trình có giá trị di sản còn 523 công trình (vào năm 1981 có hơn 1000 công trình). 523 công trình này được phân thành 3 loại theo mức độ giá trị khác nhau:

  • Loại 1: các công trình có giá trị đặc biệt, gồm 205 công trình,
  • Loại 2: các công trình có giá trị;
  • Loại 3: các công trình còn lại.

Chủ tịch UBND quận Hoàn kiếm Phạm Tuấn Long chủ trì cuộc họp

Sau khi phân loại, dự án đã tiến hành khảo sát 205 công trình có giá trị đặc biêt, thông qua công tác điều tra như phỏng vấn người dân, phát phiếu điều tra, đo đạc, vẽ mặt bằng, mặt đứng, chụp ảnh công trình, gồm cả ảnh 360 độ… Kết quả, khảo sát được trọn vẹn 149 công trình; 49 công trình khảo sát được, nhưng không trọn vẹn; 7 công trình không khảo sát, vì các công trình này đã được cải tạo toàn bộ hoặc nằm trong các dự án bảo tồn đã hoàn thành.

Qua 149 công trình khảo sát được toàn bộ, thấy có 5 loại phong cách kiến trúc, đó là:

  • Phong cách kiến trúc truyền thống: 14 công trình;
  • Phong cách kiến trúc Trung hoa: 18 công trình;
  • Phong cách kiến trúc Địa Trung Hải: 16 công trình;
  • Phong cách kiến trúc Pháp – An Pơ: 35 công trình;
  • Phong cách kiến trúc Art-Décor: 66 công trình.

Về tình trạng kỹ thuật các công trình, được phân thành 3 loại: loại tình trạng tốt có 36 công trình; loại trung bình có 62 công trình; loại kém có 51 công trình.

Từ các số liệu khảo sát trên, nhóm dự án đã lập hồ sơ các công trình và đưa ra 3 nhóm, được phân loại theo mức độ ưu tiên về bảo tồn gồm: Nhóm ưu tiên số 1 gồm 16 công trình; nhóm số 2 có 41 công trình; và nhóm số 3 là 92 công trình.

Vấn đề khó khăn nhất mà nhóm làm dự án gặp phải là sự bất hợp tác của một số hộ dân. Mặc dù nhóm khảo sát và chính quyền phường đã vận động, thuyết phục nhiều lần, nhưng chủ các căn nhà này vẫn nhất quyết không cho nhóm công tác vào đo đặc, khảo sát. Kết quả là số liệu khảo sát còn hạn chế, do có 24 công trình khảo sát được ít và 25 công trình hoàn toàn không khảo sát được.

Chủ tịch VUPDA: Cần làm rõ với dân về mục đích của việc khảo sát và lợi ích khi tham gia cùng nhà nước trong việc bảo tồn công trình phố cổ

Phát biểu tại cuộc họp, KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN nhấn mạnh tầm quan trọng của quận Hoàn Kiếm – trung tâm lịch sử, văn hiến của Thủ đô, nơi lưu giữ cả một không gian di sản văn hóa, lịch sử đô thị quý giá mà khi nói tới Hà Nội, không thể không nhắc tới, đó là khu phố cổ. Vì vậy, việc nghiên cứu bảo tồn khu phố cổ Hà Nội, không chỉ bảo tồn những công trình di sản mà còn cần bảo tồn cả những không gian văn hóa, sinh hoạt buôn bán, ẩm thực… của khu vực này. Bảo tồn khu phố cổ Hà Nội cũng cần xem xét các bài học kinh nghiệm về bảo tồn từ thành phố Hội An, Huế và quốc tế.

Tuy nhiên, trong khuôn khổ của một dự án, nhiệm vụ khảo sát ở đây mới chỉ thực hiện đối với công trình di sản có giá trị về nhà ở trong khu vực phố cổ. Nhận định về khó khăn còn tồn tại của nhóm khảo sát, Chủ tịch Hội cho rằng công tác dân vận là rất quan trọng, chính quyền cần phải tuyên truyền, vận động và có cách tiếp cận người dân từ trước khi tiến hành dự án, theo cách chính thức và tôn trọng. Cần làm rõ với dân trong khu vực về mục đích của việc khảo sát, lợi ích mà người dân được hưởng khi tham gia cùng nhà nước trong bảo tồn công trình. Điều quan trọng và cần thiết là chính quyền đô thị phải có cơ chế về chính sách, về tài chính, về quyền lợi đôi bên, như vậy mới có thể thực hiện thành công những dự án liên quan trực tiếp đến nhà ở và việc sinh sống của người dân khu phố cổ.

Kết luận buổi họp, Chủ tịch Quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long yêu cầu đối với 16 công trình được đề xuất ưu tiên số 1 về bảo tồn, nhóm khảo sát cần khẩn trương rà soát kỹ lại số lượng lựa chọn, đánh giá thêm về mặt xã hội, thực chất các giá trị của công trình cũng như tính khả thi trong việc bảo tồn. Thời hạn là 7 ngay sau phải có báo cáo lại kết quả khảo sát. Vì, theo người đứng đầu quận Hoàn Kiếm, nếu không nhanh chóng hoàn thành hồ sơ hiện trạng các công trình di sản để quản lý và bảo tồn, thì có nguy cơ số lượng công trình di sản có giá trị lại mất dần đi theo thời gian./.

Bài và ảnh: Mộc Cỏ

Bài viết cũ hơn