Hà Nội: Tín hiệu mới về dự án hạ tầng giao thông trọng điểm

Ngày 18/1, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đã chứng kiến lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu đầu tư, xây dựng một số dự án trọng điểm tại thủ đô giữa Sở Giao thông vận tải Hà Nội, Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc) và Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex). Theo bản ghi nhớ, hai dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của Hà Nội được tập trung nghiên cứu xây dựng là cầu Tứ Liên và tuyến đường sắt đô thị số 5.

Phát biểu tại Lễ ký kết, ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinaconex, cho biết với sự hợp tác này, Vinaconex, Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương cam kết sẽ triển khai các dự án bảo đảm chất lượng, tiến độ, hiệu quả.

Tín hiệu mới nhất tuyến đường sắt 65.000 tỉ đồng ở Hà Nội- Tập đoàn lớn nào của Trung Quốc đồng hành? - Ảnh 1.

Dự án metro số 5 sẽ góp phần kéo dãn mật độ dân cư ở các quận nội thành – Ảnh minh hoạ tạo bởi phần mềm AI Vccorp

Được biết, Vinaconex đang đảm trách thi công gói thầu 09 tại Dự án đầu tư xây dựng Vành đai 4 – Vùng Thủ đô, ngoài ra cũng đã thực hiện gói thầu tại Dự án cao tốc Bắc – Nam; cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2…

Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (viết tắt là CPCG) được thành lập năm 1986. Đây là doanh nghiệp chuyên đầu tư xây dựng vận hành quản lý trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng. Tập đoàn này vận hành khoảng 3.000 khu công nghiệp, các dự án đô thị trên cả nước Trung Quốc. Đây là doanh nghiệp tư nhân thứ 2 của Trung Quốc nằm trong 500 tập đoàn lớn nhất thế giới.

Tuyến metro cần thiết để hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị

Dự án tuyến đường sắt đô thị số 5  (metro số 5), đoạn Văn Cao – Ngọc Khánh – Láng – Hòa Lạc của TP Hà Nội được chú trọng đầu tư xây dựng. Quy mô dự án này là tiêu chuẩn đường đôi, điện khí hóa với chiều dài 38,43km (gồm 6,5km đi ngầm, 2km đi cao và 29,93km đi trên mặt đất), 21 ga và 2 khu depot.

Metro số 5 sẽ đi ngầm qua Liễu Giai, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, vành đai 3 và đi nổi từ đại lộ Thăng Long. Từ nút giao Hòa Lạc (vành đai 4) đến cuối tuyến thuộc thôn Thạch Bình (xã Yên Bình), metro số 5 đi trên mặt đất vào dải phân cách giữa của cao tốc quy hoạch Hòa Lạc – Hòa Bình. Tuyến khai thác khoảng 25-40 đoàn tàu, vận tốc thiết kế 120km/giờ và 90km/giờ đối với các đoạn đi ngầm; thời gian chờ tàu vào khoảng 3,3 phút.

Phần lớn chiều dài metro sẽ chạy giữa các tuyến đường bộ hiện hữu, đoạn từ Liễu Giai đến Trần Duy Hưng chạy ngầm giữa đường nên có thể tiết kiệm chi phí, thời gian giải phóng mặt bằng.

Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 65.000 tỉ đồng. Trong đó chi phí xây dựng 24.844 tỉ đồng, chi phí thiết bị 16.629 tỉ đồng. Tuyến metro số 5 Văn Cao – Hòa Lạc được Chính phủ phê duyệt quy hoạch từ năm 2011, gồm hai giai đoạn, 2016-2020 và 2020-2030. Tuy nhiên, thời điểm triển khai giai đoạn 2016-2020 đã qua, nên mục tiêu là đầu tư toàn tuyến trong giai đoạn 2021-2025.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn, với tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, việc nghiên cứu, đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 5, góp phần hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị theo quy hoạch, là rất cần thiết.

Tín hiệu mới nhất tuyến đường sắt 65.000 tỉ đồng ở Hà Nội- Tập đoàn lớn nào của Trung Quốc đồng hành? - Ảnh 2.Tuyến metro số 5 có chiều dài hơn 38km -Ảnh minh hoạ tạo bởi phần mềm AI Vccorp

Hồi tháng 10/2023, tuyến đường sắt đô thị số 5 đã được Hà Nội nghiên cứu thí điểm đầu tư theo mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông).

Mô hình TOD được đánh giá là cách làm mới, mang tính đột phá nhằm triển khai các dự án đường sắt đô thị nhanh hơn, hiệu quả hơn, đáp ứng mục tiêu của của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ban Quản lý đường sắt đô thị cho rằng với xu thế phát triển khu vực dự án, kết nối trung tâm thành phố với Khu đô thị vệ tinh Hòa Lạc, khu công nghệ cao, khu đại học quốc gia, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam…, dự án metro số 5 sẽ góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, bảo đảm khả năng tiếp cận của hành khách, cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng tại khu đô thị, khu công nghiệp mới theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Theo quy hoạch phát triển giao thông Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổng số chiều dài 10 tuyến đường sắt đô thị phải đạt 413 km.

Giai đoạn 2016 – 2020 cần đầu tư 85 km, giai đoạn 2020 – 2030 cần đầu tư 158 km, giai đoạn sau 2030 cần đầu tư 170 km.

Danh sách các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch của TP Hà Nội gồm:

Tuyến số 1: Ngọc Hồi – Yên Viên – Như Quỳnh, chiều dài khoảng 38,7 Km;

Tuyến số 2: Nội Bài – Trung tâm thành phố – Thượng Đình, chiều dài khoảng 35,2 Km, là xương sống cho khu vực đô thị hiện tại và tương lai, kết nối với tuyến số 2A;

Tuyến số 3: Nhổn – Ga Hà Nội – Hoàng Mai chiều dài khoảng 21 Km, sau năm 2020 sẽ phát triển tuyến số 3 tới Sơn Tây, tổng chiều dài dự kiến là 48 km;

Tuyến số 4: Đông Anh – Sài Đồng – Vĩnh Tuy/Hoàng Mai – Thanh Xuân – Từ Liêm – Thượng Cát – Mê Linh. Tuyến có chiều dài khoảng 53,1 km, có dạng vòng tròn, kết nối với các tuyến số 1, số 2, số 3 và số 5.

Tuyến số 5: Nam Hồ Tây – Ngọc Khánh – Láng – Hòa Lạc. Chiều dài khoảng 38 Km.

Tuyến số 6: Nội Bài – Khu đô thị mới phía Tây Ngọc Hồi, kết nối với Tuyến số 4 tại Cổ Nhuế và Tuyến số 7 tại Dương Nội. Chiều dài khoảng 43 Km.

Tuyến số 7: Mê Linh – Đô thị mới phía Tây Nhổn – Vân Canh – Dương Nội, kết nối với tuyến số 4 tại đoạn Đại Mạch và Tây Tựu, với tuyến số 6 tại đoạn Dương Nội. Chiều dài khoảng 35 Km.

Tuyến số 8: Cổ Nhuế – Vành Đai 3 – Lĩnh Nam – Bát Tràng – Dương Xá. Chiều dài khoảng 28 Km.

Theo cafeF

Bài viết cũ hơn