Hội thảo “Mô hình tổ chức không gian nông nghiệp đô thị tại Hà Nội”

Sáng ngày 19/10, Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển đô thị – cơ quan nghiên cứu của Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, đã tổ chức hội thảo với chủ đề Mô hình tổ chức không gian nông nghiệp đô thị tại TP Hà Nội”. Đây là hội thảo khoa học lần thứ 3, trong khuôn khổ của đề tài “Mô hình và giải pháp tổ chức không gian nông nghiệp đô thị tại thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030.”, do GS. TS. KTS. Đỗ Hậu làm chủ nhiệm đề tài.

Chủ nhiệm đề tài GS. TS. KTS. Đỗ Hậu chủ trì Hội thảo

Tại hội thảo lần này, đề tài đã đề xuất các mô hình tổ chức không gian nông nghiệp đô thị thành phố Hà Nội cho khu vực nội đô, khu vực đô thị hóa và khu vực ven đô thành phố Hà Nội phù hợp với định hướng chuyển đổi nông nghiệp đô thị sinh thái tại Hà Nội, giai đoạn 2021- 2030.

Quan điểm của các đề xuất đều thống nhất việc tổ chức không gian nông nghiệp đô thị cần phù hợp với quan điểm phát triển nông nghiệp của Thành phố Hà Nội trên cơ sở  khai thác tiềm năng lợi, thế, giá trị lịch sử văn hoá nông nghiệp, tạo không gian xanh, tạo cảnh quan, hài hoà trong quá trình phát triển đô thị theo định hướng QHCXD Thủ đô.

Việc tổ chức không gian nông nghiệp đô thị, nhằm kết nối thực tiễn sản xuất nông nghiệp (SXNN) với việc tích hợp quy hoạch trong lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng Thủ đô, thích ứng với ba phân vùng địa lý nông nghiệp, liên hoàn từ ngoại ô, qua ven đô tới khu vực mở rộng đô thị, từng bước phát triển mô hình không gian nông nghiệp, tiến tới hình thành mô hình chuyên canh SXNN công nghệ cao.

Theo Phó Giám đốc sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường: “Để phát triển nông nghiệp đô thị (NNĐT) ổn định, không bị xâm lấn đất, cần phải chú trọng quy hoạch không gian nông nghiệp trong quy hoạch chung tổng thể thành phố. Đồng thời phát triển NNĐT kết hợp với các cơ sở vật chất khác, để tạo được cảnh quan, môi trường đáng sống…”.

Một số mô hình được nhóm nghiên cứu đề xuất, đó là:

(1) Nông nghiệp sinh thái cảnh quan ven sông;

(2) Công viên/vườn nông nghiệp đô thị;

(3) Trang trại nông nghiệp đô thị;

(4) Làng hoa, cây cảnh đô thị;

(5) Vườn cộng đồng;

(6) Vườn trong không gian mở, trên mái, ban công công trình xây dựng;

(7) Mô hình phát triển du lịch: làng di sản – du lịch, làng nghề – du lịch, thủy sản – du lịch

(8) Mô hình không gian cao tầng chuyên canh theo phương thẳng đứng;

(9) Công trình chuyên canh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

(10) Mô hình Cụm đổi mới

Tuy nhiên để có cơ sở lựa chọn các mô hình cho phù hợp với 3 khu vực như yêu cầu của đề tài, cần tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về đặc điểm và tính chất của từng khu vực; làm rõ hơn yêu cầu về tổ chức không gian và quy mô của mỗi mô hình cũng như đưa ra các hướng dẫn áp dụng mô hình.

Tham luận của KTS. Trần Duy, đến từ Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội

Để các mô hình tổ chức không gian nông nghiệp đô thị thành phố Hà Nội được áp dụng một cách có hiệu quả thì trong đồ án QHĐT cần có những giải pháp linh hoạt trong việc kết hợp NNĐT trong các khu vực sử dụng đất dành cho không gian xanh; khai thác hiệu quả đất đai trong giai đoạn quá độ của quá trình đô thị hóa. Mỗi một khu vực cần có những quy định và cơ chế khác nhau, hướng tới đối tượng là doanh nghiệp nông nghiệp đô thị, đi kèm với các chính sách về đất đai, hạ tầng, ưu đãi về thuế và thu nhập doanh nghiệp…Tạo điều kiện liên kết sản xuất, xây dựng quy mô diện tích lớn, liên vùng và liên kết trong việc cung ứng vật tư, dịch vụ nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm.

Tham luận của TS. Lê Quỳnh Chi, đến từ Đại học Xây dựng

Khung giải pháp tổng thể tổ chức không gian nông nghiệp đô thị cần theo hướng bảo vệ không gian tự nhiên, phát triển cơ sở hạ tầng, sử dụng đất nông nghiệp bền vững và thiết lập kiến trúc cảnh quan nông nghiệp đô thị hướng tới phát triển bền vững/.

Thanh Ý

Bài viết cũ hơn