Kinh nghiệm quốc tế về đầu tư phát triển đô thị công nghiệp sinh thái cho Việt Nam

International experience on investment and development of eco-industrial urban areas for Vietnam – By Dr. Le Minh Thoa

Abstract: Investment in the development of eco-industrial urban areas must meet the needs of high-tech, intelligent, ecological and pollution-free landscapes, etc. At the same time, utilities and services for industrial urban areas must modern, supporting functions, solving housing needs, providing cultural, sports and other social facilities, in order to ensure the lives of workers and residents. The article presents international experiences on investment in eco-industrial urban development of some countries in the world and lessons for Vietnam in the current period.
Overview of investment and development of eco-industrial urban areas
An eco-industrial park is a community of manufacturing and service businesses that are closely linked on the same interests, aiming for a high-quality social, economic and environmental activity. and an urban area of supporting functions, including: an eco-industrial park with industrial functions that are effective in production and create a closed, closed industrial ecosystem when expansion with the participation of more actors related to the industrial park will create a circular economy in the activities of the industrial park, making the industrial park operate and develop in a sustainable way More, more ecological.
Besides, there are urban service areas combined with the function of supporting ecological industrial parks, providing convenient and intelligent services for industrial parks: Housing for workers working in the industrial park. industrial parks, cultural works, amusement parks, supermarkets, sports areas … to ensure the best living conditions for officials and employees working in this industrial park.
Eco-industrial urban areas function as a competitive economy, providing for human needs through market mechanisms; at the same time associating with the local community, harmonizing with regional ecosystems, suitable with urban landscape architecture and within the carrying capacity of the earth, ensuring an urban area of services, entertainment and entertainment. harmonious location, suitable to the living conditions of residents working in the industrial park. Thus, the goal of developing eco-industrial urban areas is sustainable in terms of planning, landscape architecture, economy, society and reducing environmental pollution and providing adequate housing, entertainment and services for the residents who work there.

Keywords: Eco-industrial city, ecological environment, smart.

Đầu tư phát triển khu đô thị công nghiệp sinh thái cần phải đáp ứng được các công nghệ cao, thông minh, cảnh quan môi trường sinh thái, không ô nhiễm… Đồng thời, các tiện ích dịch vụ cho khu đô thị công nghiệp phải hiện đại, có chức năng hỗ trợ, giải quyết nhu cầu nhà ở, cung cấp công trình văn hóa, thể thao và các tiện ích xã hội khác, nhằm bảo đảm cuộc sống của công nhân và cư dân. Bài viết đưa ra các kinh nghiệm quốc tế về đầu tư phát triển đô thị công nghiệp sinh thái của một số nước trên thế giới và bài học cho Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

1.Tổng quan về đầu tư phát triển khu đô thị công nghiệp sinh thái

Khu đô thị công nghiệp sinh thái là một cộng đồng các doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ có mối liên hệ mật thiết trên cùng một lợi ích, cùng hướng tới một hoạt động mang tính xã hội, kinh tế và môi trường chất lương cao và khu đô thị dịch vụ chức năng hỗ trợ, bao gồm: khu công nghiệp sinh thái gồm các chức năng công nghiệp có hiệu quả trong sản xuất và tạo ra được tạo được một hệ sinh thái công nghiệp khép kín, vòng khép này khi mở rộng với sự tham gia của nhiều hơn các chủ thể liên quan đến khu công nghiệp sẽ tạo ra một nền kinh tế tuần hoàn trong các hoạt động của khu công nghiệp, khiến khu công nghiệp được vận hành và phát triển theo hướng bền vững hơn, sinh thái hơn.

Bên cạnh đó là các khu đô thị dịch vụ kết hợp có chức năng hỗ trợ các khu công nghiệp sinh thái, cung cấp các dịch vụ tiện ích, thông minh cho khu công nghiệp: Nhà ở cho công nhân đang làm việc tại khu công nghiệp, các công trình văn hóa, các khu vui chơi giải trí, các siêu thị, các khu thể thao… nhằm đảm bảo điều kiện sống tốt nhất cho các cán bộ, công nhân viên đang làm việc tại khu công nghiệp này.

Các khu đô thị công nghiệp sinh thái có chức năng như một nền kinh tế cạnh tranh, cung cấp cho nhu cầu con người thông qua cơ chế thị trường; đồng thời liên kết với cộng đồng địa phương, hài hòa với các hệ sinh thái khu vực, phù hợp với kiến trúc cảnh quan đô thị và trong phạm vi sức tải của trái đất, đảm bảo khu đô thị dịch vụ, vui chơi giải trí hài hòa, phù hợp với điều kiện sống của cư dân làm việc tại khu công nghiệp. Như vậy, mục tiêu phát triển các khu đô thị công nghiệp sinh thái bền vững về quy hoạch, kiến trúc cảnh quan, kinh tế, xã hội và giảm ô nhiễm môi trường và cung cấp đầy đủ về nhà ở, khu giải trí và các dịch vụ phục vụ cho cư dân làm việc tại đó.

2. Kinh nghiệm đầu tư phát triển một số khu đô thị công nghiệp sinh thái

2.1. Khu đô thị công nghiệp sinh thái Kalundborg của Đan Mạch

Khu đô thị công nghiệp sinh thái Kalundborg, Đan Mạch là một trong khu đô thị công nghiệp đầu tiên trên thế giới được hình thành và phát triển theo mô hình cộng sinh công nghiệp (Industrial symbiosis – IS). Tại đây các ngành công nghiệp riêng biệt được liên kết, hợp nhóm với nhau để đạt được lợi thế cạnh tranh bằng cách trao đổi vật chất, trao đổi năng lượng, trạo đổi thông tin, trao đổi sản phẩm (và trao đổi văn hóa); Là sự hợp tác giữa các doanh nghiệp khác nhau, mà sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp này làm tăng khả năng tồn tại và phát triển của doanh nghiệp khác; Khi phát triển có thể đạt tới như hệ sinh thái tự nhiên, tạo thành hệ sinh thái công nghiệp (Industrial Ecology) gắn với hệ sinh thái kinh tế (Ecological Economics). Khu công nghiệp sinh thái Kalundborg nằm tại thành phố Kalundborg là một đô thị có quy mô dân số khoảng 15.000 người.

Khu công nghiệp sinh thái Kalundborg sử dụng các mối liên kết sản xuất và đáp ứng yêu cầu phát triển về hoạt động kinh doanh trong khi đảm bảo các lợi ích công cộng về môi trường và xã hội, các nghiên cứu nền tảng về sinh thái công nghiệp và công sinh công nghiệp được hình thành. Kalundborg ứng dụng sinh sinh thái công nghiệp, cộng sinh công nghiệp và các lý thuyết có liên quan đối với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Trọng tâm của các khu công nghiệp sinh thái là quản lý chất thải và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Khu đô thị công nghiệp Kalundborg, Đan Mạch được mô tả như một quá trình tiến hóa, xuất phát từ một số trao đổi sản phẩm độc lập dần dần phát triển thành một mạng lưới phức tạp của các tương tác cộng sinh của năm công ty trong khu vực và kết nối hệ thống đô thị. Kalundborg là khu công nghiệp sinh thái phát triển theo nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp sản xuất trong cùng một phạm vi lãnh thổ.

Khu công nghiệp sinh thái Kalundborg được hình thành từ năm 1959, đến nay có 22 liên kết cộng sinh công nghiệp chính là: hơi nước, nhiệt và vật chất. Dòng chảy nước gồm sáu loại cụ thể: Nước thải, nước thải sạch, nước mặt, nước làm mát đã qua sử dụng, nước khử ion, và làm sạch nước mặt. Dòng chảy năng lượng gồm: hơi nóng, năng lượng để quay tubin, làm ấm ngưng tụ, và nhiệt cho đô thị. Dòng chảy vật chất gồm: xử lý chất thải, thạch cao, tro bay, lưu huỳnh, bùn, biothanol, cát, bùn, đường C5/C6, Lignin, Novogro 30, chất thải ethanol, sinh khối. Trong số các dòng trao đổi vật chất, thì quan trọng nhất là sự trao đổi cộng sinh về nhu cầu sử dụng nước và hơi nước giữa các nhà máy. Nhìn chung, công sinh công nghiệp mang lại các lợi ích thiết yếu sau:

Thứ nhất, cộng sinh công nghiệp đóng vai trò hữu hiệu trong việc chuyển đổi, thay thế vật chất và chia sẻ lợi ích nên có thể xem như là một chiến lược bao trùm cho việc cải tiến môi trường. Cộng sinh công nghiệp không thể được coi là một giải pháp độc lập, mà là một phần của quá trình cải thiện hiệu suất tổng cộng môi trường của các công ty, mà ưu tiên hàng đầu của họ phải là cải thiện môi trường nội bộ của chính công ty mình

Thứ hai, cộng sinh công nghiệp mang lại cả lợi ích trực tiếp và gián tiếp. Tuy vậy, trong nhiều trường hợp lợi ích trực tiếp thu được đối với các công ty là rất nhỏ. Do đó mục đích của họ khi thực hiện cộng sinh để thu các lợi ích gián tiếp như tầm nhìn trong tương lai khi tiết kiệm tài nguyên sẵn có hiện tại.

2.2. Khu đô thị công nghiệp sinh thái Porto Marghera, Venice, Italia

Khu đô thị công nghiệp sinh thái Porto Marghera ở thành phố Venice là một trường hợp điển hình về thất bại của việc ứng dụng sinh thái công nghiệp, dưới các tác động của các lực nội sinh và ngoại sinh.

Do vị trí thuận lợi nên khu công nghiệp Porto Margera đã phát triển nhanh chóng và trở thành trung tâm công nghiệp, đặc biệt là hóa chất của cả Italia và Châu Âu. Trong khu công nghiệp Porto Marghera nhiều nhà máy đóng cửa gây ra sự sụt giảm mạnh việc làm, dẫn đến sự thay đổi về cấu trúc các ngành công nghiệp theo hướng giảm các công ty hóa chất lớn, tăng dần số lượng các công ty quy mô nhỏ hơn trong nhiều lĩnh vực đa dạng hơn.

Sự nhạy cảm về môi trường và các quy định nghiêm ngặt về môi trường tại Ý và Liên minh châu Âu (EU) dẫn đến việc sửa đổi toàn diện các khuôn khổ thể chế và thay đổi khả năng hoạt động của các nhà máy. Mục đích chính của nó là tạo ra và duy trì các điều kiện lý tưởng cho sự sống chung nhằm bảo vệ môi trường và phát triển ngành hóa chất. Các hoạt động được triển khai sau đó hoàn toàn theo quy tắc như giám sát, quản lý rủi ro và hạch toán môi trường hàng năm, để cải thiện quy trình, giảm bớt và hợp lý hóa dòng vận động của nguyên liệu và sản phẩm, liên kết và trao đổi nguyên vật liệu, năng lượng…

Việc đóng cửa của các công ty lớn có nguyên nhân nội sinh và ngoại sinh sau:

Một là, do chịu tác động cạnh tranh ở quy mô toàn cầu nên các công ty muốn tồn tại phải chuyên môn hóa, mở rộng quy mô sản xuất để giảm giá thành sản phẩm; trong khi đó Italia không phải là quốc gia phù hợp do chi phí sản xuất cao, đặc biệt là đối với nhiên liệu và năng lượng.

Hai là, ở cấp quốc gia hệ thống hành chính mang nặng tính quan liêu; mặt khác, cộng sinh công nghiệp không được xem là một chiến lược có thể vượt qua khó khăn, khủng hoảng trong lĩnh vực công nghiệp do: khung pháp lý vẫn chưa đầy đủ; hạn chế giấy phép và chia sẻ công nghệ; thiếu sự hợp tác giữa các công ty; dây chuyền sản xuất phân tán; thiếu sự chia sẻ thông tin; và thiếu một hệ thống lãnh đạo chính thức.

Ba là, sự ra đi của các công ty đứng đầu khu vực, tạo ra một tâm lý lo ngại, bất ổn cho những công ty khác và dẫn đến sự từ bỏ, thay đổi vị trí của các công ty này.

Bốn là, sự phản ứng của cộng đồng là một nguyên nhân quan trọng. Mâu thuẫn giữa việc bảo đảm môi trường và sức khỏe người dân với hoạt động sản xuất của các nhà máy luôn tồn tại trong quá trình phát triển của khu vực.

2.3. Khu công nghiệp sinh thái Devens, Massachusetts, Hoa Kỳ

Hình 2. Khu đô thị công nghiệp sinh thái Devens, Hoa Kỳ

Khu công nghiệp sinh thái Devens, Massachusetts được thành lập để hỗ trợ cho việc phát triển khu quân sự Fort Devens trước đây. Đến năm 2015, Devens thu hút được 95 doanh nghiệp, có nhiều đóng góp kinh tế và tạo việc làm cho một lượng lớn lao động chất lượng cao, trong khi góp phần làm sạch môi trường địa phương và thúc đẩy cơ sở hạ tầng bền vững hơn với đường sắt và các tòa nhà xanh.

Trong quá trình tái phát triển, Ủy ban doanh nghiệp Devens (DEC) đóng vai trò quan trọng trong việc xác lập tầm nhìn bền vững tại Devens, với định hướng phát triển nó thành một khu đô thị công nghiệp sinh thái, tập trung vào ba khía cạnh chính: Thúc đẩy các chính sách hỗ trợ địa phương. Thiết lập một cơ quan riêng biệt để tập trung vào việc cung cấp dịch vụ giáo dục và xây dựng một mạng lưới các công ty hợp tác. Thực hiện một tiến trình mở và toàn diện để đo lường thành quả và xác định lỗ hổng.

Devens khẳng định những nỗ lực của chính quyền địa phương để phát triển cơ sở hạ tầng và thiết lập các chính sách và chương trình hỗ trợ phát triển bền vững là phù hợp với nhu cầu kinh doanh và là một yếu tố then chốt cho sự thành công. Nó cũng cho thấy vai trò của sinh thái công nghiệp như một ý tưởng cốt lõi của chính sách phát triển cụm; và sự đa dạng của các công ty, sự tin tưởng, chính sách phát triển bền vững và hỗ trợ phát triển mạng lưới là chìa khóa để tạo ra cả giá trị doanh nghiệp và xã hội.

2.4. Khu đô thị công nghiệp sinh thái Ulsan, Hàn Quốc

Ulsan là khu đô thị công nghiệp sinh thái điển hình của Hàn Quốc với sáng kiến xây dựng khung khổ nghiên cứu và triển khai trong thương mại gồm các yếu tố chính sau: (1) Phát triển mạng lưới cộng sinh công nghiệp thông qua một nghiên cứu khả thi; (2) Thu hút các doanh nghiệp thông qua việc xóa bỏ các rào cản và chia sẻ lợi ích tương đương.

Các chính sách của chính phủ và khu vực, cụm công nghiệp Ulsan đã phát triển liên tục từ cụm công nghiệp thông thường để thành khu đô thị công nghiệp sinh thái với 13 liên kết cộng sinh với 41 công ty tham gia đã mang lại các lợi ích cơ bản về kinh tế, bảo vệ môi trường và xã hội.

Các chính sách hỗ trợ cho khu đô thị công nghiệp sinh thái Ulsan gồm:

Thứ nhất, các chính sách về: môi trường, phát triển công nghiệp, năng lượng, chiến lược xây dựng các khu đô thị công nghiệp không xả thải.

Thứ hai, chiến lược phát triển dự án thí điểm khu đô thị công nghiệp sinh thái Ulsan là các doanh nghiệp liên kết với nhau cùng thực hiện các chương trình sản xuất sạch hơn và trao đổi các sản phẩm phụ. Giai đoạn đầu, các dự án tiếp cận mở để tìm cách phân bổ ngân sách và tìm kiếm nguồn đầu tư. Các dự án có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp hiện có, các nhóm cộng đồng dân sự, các tổ chức chính phủ và phi chính phủ và các nhóm tổ chức tăng cường quá trình lập kế hoạch và triển khai thực hiện. Tuy vậy, chính quyền địa phương đóng vai trò chủ đạo, quản lý về nhà ở, dịch vụ đô thị và cơ sở hạ tầng lớn.

Kế hoạch thực hiện tập trung vào các chiến lược quan trọng sau: Thành phần chính là đảm bảo sự tương tác giữa các nguồn lực với nguồn tài nguyên (dòng chảy vật tư, năng lượng, nước và thông tin) được kiểm soát tối ưu trong hệ thống; giải quyết các yếu tố hệ thống liên quan, đảm bảo cho các hoạt động chính được thực hiện; giám sát, quản lý và cung cấp thông tin đầy đủ và hỗ trợ cho việc thực hiện các chiến lược.

Qua phân tích khu đô thị công nghiệp sinh thái Ulsan, rút ra được chuyển đổi các cụm công nghiệp truyền thống thành khu đô thị công nghiệp sinh thái một cách hiệu quả cần phải có nguyên tắc hoạt động chung nhằm giảm chi phí và mở rộng doanh thu giữa các doanh nghiệp;các chính sách môi trường cần sắp xếp hợp lý để tăng nguồn lực và các giao dịch cho cộng sinh công nghiệp; các công nghệ của các công ty cần đáp ứng được sự cộng sinh; cần nâng cao hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp tham gia vì sẽ việc tạo ra các mối quan hệ với cộng đồng thông qua thu hút đầu tư kinh doanh và cải thiện chất lượng cuộc sống; làm tăng lợi ích môi trường của chính các doanh nghiệp, đồng thời cải thiện sức khỏe cộng đồng và giảm phát thải khí nhà kính.

Bên cạnh đó phải có yêu cầu thiết yếu trong việc chuyển đổi và xây dựng khu đô thị công nghiệp sinh thái hiệu quả thì cần có một quy trình thông suốt trong các dự án khu đô thị công nghiệp sinh thái tương lai. Các dự án phải được thực hiện trong sự kết hợp với các dự án khác, liên quan đến việc làm biến đổi khí hậu trong khu vực, cắt giảm khí nhà kính. Giảm phát thải CO2 tiềm năng để góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu thông qua việc quy hoạch đô thị công nghiệp sinh thái trong một số khu vực.

2.5. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Qua việc nghiên cứu các khu đô thị công nghiệp sinh thái của các nước ở trên, rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam như sau:

Một là, nhà nước đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc xây dựng môi trường pháp lý và khuyến khích phát triển hình thức đầu tư phát triển khu đô thị công nghiệp sinh thái. Khung thể chế chính sách cần rõ ràng cho các doanh nghiệp, khu công nghiệp về tiềm năng và lợi ích của việc tham gia vào quá trình chuyển đổi, xây dựng mới khu đô thị công nghiệp sinh thái sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp, tích cực tham gia. Các doanh nghiệp cần thấy được lợi ích của việc tham gia vào các chương trình, thông qua quá trình thực hiện, ưu tiên từ Chính phủ và khả năng tiếp cận tài chính và chuyên môn kỹ thuật trong suốt quá trình tham gia, qua đó giúp cải thiện vấn đề năng lượng và thực hiện phát thải.

Hai là, thực chất khu đô thị công nghiệp sinh thái là quá trình hoàn thiện, chuyển đổi với tầm nhìn dài hạn và có bước đi cụ thể, trong đó ưu tiên các khu công nghiệp truyền thống có đủ điều kiện và sẵn sàng chuyển đang mô hình khu đô thị công nghiệp sinh thái. Để triển khai có kết quả cần thu thập thông tin, dữ liệu, tổng hợp và chuyển hóa các tri thức vận hành công nghiệp thành cơ hội cụ thể hợp tác sản xuất, tái chế, tái sử dụng phế liệu, chất thải, nâng cao hiệu suất năng lượng, sử dụng hiệu quả tài nguyên và ảnh hưởng lan tỏa tích cực đến địa phương.

Ba là, cần có sự tham gia của các doanh nghiệp theo cả hai cách tiếp cận từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên. Xác định các cơ hội kết nối mở rộng quan hệ theo cả chiều sâu và chiều rộng đã hỗ trợ cho công tác sàng lọc và lựa chọn các cơ hội hợp tác chung tiềm năng để tiến hành đánh giá khả thi và thương mại hóa. Sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp theo cả hai chiều quan hệ.

Bốn là, Chính phủ hỗ trợ thực hiện đánh giá khả thi và lợi ích kinh tế mà các doanh nghiệp tham gia nhận được giúp giảm thiểu rủi ro và chi phí hay trao đổi sản phẩm tái chế từ rác thải, từ đó tạo động lực tham gia chương trình khu đô thị công nghiệp sinh thái. Ngoài ra, sự hỗ trợ mạnh mẽ của nhà nước cho việc nghiên cứu, phổ biến và ứng các công nghệ đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong lĩnh vực môi trường đã tạo cơ hội nhiều hơn trong hợp tác cộng sinh và thực hiện các biện pháp sản xuất sạch hơn và sử dụng năng lượng hiệu quả hơn.

Năm là, xây dựng cơ chế phối hợp thực hiện giám sát đầu vào và đầu ra của khu công nghiệp về sử dụng năng lượng, nước, các vật liệu sản xuất thiết yếu, quản lý hóa chất độc hại và có báo cáo hàng năm và thực hiện công bố rộng rãi báo cáo thực hiện bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội và các đóng góp cho cộng đồng để các bên liên quan giám sát.

Sáu là, xác định rõ ngay từ đầu một cơ quan chủ trì quản lý khu đô thị công nghiệp sinh thái. Cơ quan này có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan ở Trung ương và địa phương triển khai khu đô thị công nghiệp sinh thái đảm bảo việc triển khai được thông suốt, không chồng chéo, chức năng, nhiệm vụ.

3. Kết luận:

Đầu tư phát triển khu đô thị công nghiệp sinh thái ở Việt Nam là một trong những giải pháp hướng tới sự kết hợp giữa khu công nghiệp sinh thái và khu đô thị sinh thái để phát triển kinh tế, tác động tới tăng trưởng xanh và bền vững. Nâng cấp các khu đô thị truyền thống thành các khu đô thị công nghiệp sinh thái trong thời gian tới không những mang lại lợi ích về kinh tế mà còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường, khí thải, chất thải rắn, đồng thời giải quyết nhu cầu nhà ở và dịch vụ cho cư dân sống và làm việc trong khu công nghiệp hiện nay.

Từ khóa: Đô thị công nghiệp sinh thái, môi trường sinh thái, thông minh.

 Tài liệu tham khảo

  1. Hoàng Hằng (2020), Khu công nghiệp đô thị dịch vụ là gì? Tiềm năng phát triển tại Việt Nam, đăng trên thitruong.today ngày 13/10/2020.
  2. Baas, L.W. (2005). Cleanerproduction and industrial ecology: dynamic aspects of the introduction and dissemination of new concepts in industrial practice. EUR (417) (Delft: Eburon Academic Publishers). Prom./coprom.: Prof.Dr. W.A. Haíkamp & Dr. F.A.A. Boons.
  3. Heeres, R. R., Vermeulen, W. J. V, & De Walle, F. B. (2004). Eco-industrial park initiatives in the USA and the Netherlands: First lessons. Journal of Cleaner Production, 12(8-10), 985-995.
  4. PCSD (President’s Council on Sustainable Development) (1996). Eco-industrial park workshop proceedings. The President’s Council on Sustainable Development, Virginia, US.
  5. Sertyesilisik, Begum and E. Sertyesilisik (2016). Eco-industrial Development: As a Way of Enhancing Sustainable Development. Journal of Economic Development, Environment and People, 5(1), pp.6-27.

 

Bài viết cũ hơn