Nước Pháp: Nhà hàng, quán bar chật vật giữ khách với Chứng nhận y tế

“Chứng nhận y tế” trở thành một phần đời sống tại Pháp. Ba loại chứng nhận (xét nghiệm PCR âm tính, chứng nhận hoàn thành tiêm chủng hoặc vừa mới khỏi bệnh Covid-19) sẽ được yêu cầu đối với bất kỳ ai muốn vào những tụ điểm tập trung trên 50 người kể từ ngày 21/07. Tiếp theo là nhà hàng, khách sạn, phương tiện công cộng đường dài, cơ sở y tế… sẽ yêu cầu chứng nhận này từ ngày 09/08 và mới nhất là 126 trung tâm thương mại có diện tích trên 20.000 m2 ở khoảng 40 tỉnh từ ngày 16/08.

Nhân viên bảo tàng Louvre kiểm tra "chứng nhận y tế" của khách tham quan, Paris, Pháp, ngày 06/08/2021.

Nhân viên bảo tàng Louvre kiểm tra “chứng nhận y tế” của khách tham quan, Paris, Pháp, ngày 06/08/2021. AP – Adrienne Surprenant

Biện pháp này được chính phủ khẳng định là để phòng chống dịch Covid-19 và cũng để hối thúc người dân tiêm chủng, sẽ có hiệu lực ít nhất cho đến khi chấm dứt «tình trạng khẩn cấp y tế», tạm ấn định đến ngày 15/11/2021, theo luật khủng hoảng dịch tễ được đăng trên Công Báo ngày 06/08.

Ý kiến trái chiều trong ngành về «chứng nhận y tế»

Có hiệu lực từ hai tuần nay, nhưng việc kiểm tra chứng nhận y tế trên các tuyến tàu đường dài hiện vẫn chỉ là đột xuất và ngẫu nhiên. Còn đối với lĩnh vực nhà hàng, tuần đầu áp dụng cũng mang tính « tập dượt ». Ví dụ tại thành phố Arles (miền nam Pháp), những nhà hàng sát khu di tích Đấu trường Arles (Arènes d’Arles) luôn yêu cầu khách trình chứng nhận y tế trước khi xếp bàn. Ngược lại, một số nhà hàng trong khu phố cổ « quên » hỏi khi có quá đông khách.

Trái với miền nam Pháp, nơi có những vùng du lịch nổi tiếng, các nhà hàng, quán bar-cà phê ở Paris thường trông cậy vào du khách quốc tế trong những tháng hè, vì người dân thủ đô cũng đi nghỉ ở nơi khác. Đã vắng khách, bây giờ còn phải «chọn lọc» khách theo «chứng nhận y tế» càng khiến lĩnh vực kinh doanh này thêm khó khăn, như chia sẻ của chị Phương Tú Violette, quản lý nhà hàng Mâm Son, ở Montparnasse, quận 6:

«Thực sự chúng tôi rất lo lắng khi chính phủ ban hành «chứng nhận y tế” (passe sanitaire) cho các hoạt động từ ngày 09/08. Bởi vì khi nhà hàng mở cửa trở lại thì tháng 7-8 là những tháng đi nghỉ hè của người dân Paris, lượng khách đã vắng hơn so với thường lệ và bây giờ.

Thêm chứng nhận y tế nữa thì chúng tôi càng lo lắng khi khách càng ngày càng vắng hơn, bởi vì theo những gì tôi theo dõi trên bộ Y Tế Pháp, chỉ có 60% dân số Pháp được tiêm chủng, như vậy, có thể nói 10 người thì có đến 4 người chưa tiêm chủng, trong khi chúng tôi bắt buộc phải tuân theo những yêu cầu của chính phủ khi kiểm tra giấy tờ đã tiêm đủ hai mũi chưa và tiêm như thế nào, bởi vì phải 7 ngày sau khi tiêm đủ hai mũi thì khách hàng mới được vào nhà hàng…

Chúng tôi lo lắng cũng vì biểu tình thường thường xảy ra ngày thứ Bẩy trong khi đây lại là ngày đông nhất trong tuần của quán chúng tôi. Thế nên khó khăn lại chồng chất khó khăn!».

Dĩ nhiên, việc kiểm tra «chứng nhận y tế» cũng gây ý kiến trái chiều trong ngành nhà hàng, quán bar-cafe. Chị Elodie, quản lý một nhà hàng ở phía nam Paris, khi trả lời RFI, không ủng hộ biện pháp này:

«Chúng tôi sẽ phải buộc từ chối khách hàng trong khi hiện giờ chúng tôi chỉ có một nguyện vọng là được làm việc. Chúng tôi đã phải đóng cửa suốt 9 tháng và giờ chỉ muốn làm việc. Lợi ích của chúng tôi không phải là từ chối khách hàng vì họ không có chứng nhận y tế. Tôi cho là chúng tôi không có tư cách để làm thế».

Trong khi Karim, quản lý một nhà hàng ở Paris, cho biết sẽ «từ chối để khách vào (nếu không có chứng nhận y tế). Đó là quy định hiện hành và chúng tôi làm theo quy định». Theo ông, đây là cách duy nhất để ngăn ngừa đại dịch. Còn nhà hàng Mâm Son, do chị Phương Tú Violette làm quản lý, đã chuẩn bị hết để đáp ứng với luật mới:

«Hiện tại ê-kip của chúng tôi đã được tiêm đủ hai mũi Pfizer hoặc Moderna từ cuối tháng Sáu, đầu tháng Bẩy. Chúng tôi cũng đã tải ứng dụng của chính phủ về để kiểm tra giấy tiêm chủng của khách hàng hoặc là khách hàng nào không có QR code hoặc là không sử dụng ứng dụng, thì chúng tôi phải kiểm tra trực tiếp bằng giấy. Và để tôn trọng sự riêng tư của khách hàng thì chúng tôi không kiểm tra giấy tờ tùy thân kèm với giấy tiêm chủng».

Ở tỉnh Pyrénées Orientales (miền nam Pháp), có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, một số nhà hàng, quán bar-cà phê, thậm chí thí điểm chứng nhận y tế một tuần trước khi có hiệu lực để được mở cửa đến 2 giờ sáng so với giờ giới nghiêm 23 giờ được triển khai cục bộ, vì tỉ lệ nhiễm Covid-19 cao hơn những địa phương khác. Tuy nhiên, kết quả lại khá thất vọng. Ví dụ, theo một chủ quán bar trả lời báo Le Figaro, «trong một nhóm 10 người, nếu một người chưa tiêm chủng, tất cả sẽ đi sang hàng bên cạnh không kiểm tra chứng nhận y tế». Ngoài ra, khách du lịch cũng không muốn vi phạm lệnh giới nghiêm ở những khu vực đó do không biết khách hàng của những nhà hàng cam kết kiểm tra chứng nhận y tế được coi là trường hợp ngoại lệ.

Kết quả «tương đối khả quan» sau một tuần áp dụng

Kiểm tra chứng nhận y tế Pass sanitaire của khách hàng qua điện thoại di động, tại một quán ăn ở Strasbourg, phía đông Pháp, ngày 09/08/2021.

Kiểm tra chứng nhận y tế Pass sanitaire của khách hàng qua điện thoại di động, tại một quán ăn ở Strasbourg, phía đông Pháp, ngày 09/08/2021. AFP – FREDERICK FLORIN

Sau một tuần sau áp dụng, ông Hervé Becam, phó chủ tịch Liên minh Các ngành nghề và Công nghiệp khách sạn (UMIH), khi trả lời đài Europe 1 ngày 15/08, đánh giá kết quả «tương đối khả quan, tương đối tốt». Ông cho biết, «đối với khách hàng, nhìn chung, việc bắt buộc có chứng nhận y tế được chấp nhận», «mọi người thông cảm, mọi việc tiến triển tốt» và thậm chí «còn tạo cảm giác trấn an khách hàng». Hiện tại, việc áp dụng chứng nhận y tế chưa tác động đến lượng khách của các cơ sở kinh doanh, nhưng ông tỏ ra thận trọng, muốn chờ đến cuối tháng Tám để có tổng kết đầy đủ.

UMIH ủng hộ các biện pháp phòng dịch của chính phủ, nhưng muốn được nới lỏng ở khu vực hiên ngoài trời để có thể thu hút thêm khách hàng. Vì vậy, ngay từ đầu, UMIH đề xuất không áp dụng «chứng nhận y tế» ở khu vực hiên. Thứ nhất, ông Hervé Becam cho rằng khu vực hiên đã là «ngoài trời», nơi một số biện pháp chống dịch thường được nới lỏng, khả năng nhiễm thấp hơn. Thứ hai là đội ngũ nhân viên không thể quán xuyến hết được lượng khách ra vào tự do ở khu vực này, đặc biệt là đối với những nhà hàng, quán bar có khoảng hiên rộng.

Cuối cùng, để tránh phải đóng cửa triền miên như năm 2020 đến giữa 2021, lĩnh vực này khuyến khích nhân viên tiêm phòng. Theo ông Hervé Becam, «phần lớn nhân viên trong ngành đã tiêm chủng hoặc sẽ hoàn thành vào gần thời hạn 30/08», ngày áp dụng «chứng nhận y tế» đối với nhân viên trong ngành.

Đến ngày 18/08 là tròn ba tháng các nhà hàng, quán bar-cà phê được mở cửa trở lại, trước tiên là ngoài hiên, thế nhưng biến thể virus Delta đã phá vỡ hy vọng được hoạt động lại một cách bình thường. Khó khăn chồng thêm khó khăn và càng không thể trông đợi vào miễn dịch cộng đồng, ít nhất là trong trước mắt, theo giải thích của chị Phương Tú Violette:

«Thời điểm đầu khi mới mở cửa hôm 19/05 thì chỉ được mở ngoài hiên. May mắn là Mâm Son có một khoảng hiên rất đẹp, có sức chứa khoảng 40 người, nên quán chúng tôi lúc nào cũng đông hết bàn. Đến khi tất cả các nhà hàng được mở ở trong, thì lượng khách so với cùng kỳ năm ngoái (2020) của chúng tôi đã tăng khoảng 30%. Nhưng để đạt được lượng khách mong muốn như hồi mua nhà hàng trước Covid thì vẫn chưa được, vì khách du lịch quốc tế vẫn chưa được nhiều như mong muốn và cuộc sống vẫn chưa trở lại 100% bình thường như mong muốn».

Không để những người đã tiêm chủng bị hạn chế tự do

Khi ban hành luật về quản lý khủng hoảng dịch tễ ngày 05/08, trong đó có hai điểm quan trọng là mở rộng áp dụng chứng nhận y tế và bắt buộc tiêm chủng đối với nhân viên y tế, chính phủ không tỏ ra nhân nhượng trước phong trào phản đối tiêm chủng (antivax), bảo vệ tự do, đã kéo dài từ 5 tuần nay, huy động đến hơn 200.000 người. Trên tài khoản Facebook, tổng thống Emmanuel Macron cũng không úp mở: «để những người không tiêm chủng chịu những biện pháp hạn chế, chứ không phải buộc tất cả mọi người cùng gánh chịu».

Điểm này được thể hiện qua hai hướng «cứng rắn» về nguyên tắc và «thực dụng» trong việc triển khai, theo phát biểu của thủ tướng Jean Castex trên đài TF1 ngày 21/07. Ví dụ trong lĩnh vực nhà hàng, quán bar-cà phê, luật mới được áp dụng ngày 09/08 cũng yêu cầu phải có «chứng nhận y tế» mới được ngồi ở khu vực ngoài trời, có nghĩa là không có bất kỳ « rường hợp ngoại lệ» nào như hy vọng của Liên minh Các ngành nghề và Công nghiệp khách sạn (UMIH).

Điểm «thực dụng» được áp dụng trong tuần đầu dành cho thích nghi và nhắc nhở ở mỗi đợt áp dụng «chứng nhận y tế». Sau đó, «lực lượng cảnh sát sẽ phụ trách xác minh, kiểm tra» để tiếp tục phương pháp cứng rắn. Hình phạt tiền và án tù cũng được quy định trong luật ngày 05/08.

Cụ thể, đối với cá nhân sử dụng chứng nhận giả hoặc «mượn» của người khác, hình phạt có thể từ 135 euro lần đầu đến 3.750 euro nếu vi phạm 3 lần trong vòng 30 ngày cùng với lao động công ích hoặc đình chỉ bằng lái xe. Đối với cơ sở kinh doanh không kiểm tra «chứng nhận y tế», hình phạt tiền sẽ từ 1.000 euro đến 9.000 euro, nếu vi phạm hơn ba lần trong vòng 30 ngày. Đối với nhân viên y tế không tiêm chủng, kể từ ngày 15/09, họ có thể bị «đình chỉ hợp đồng» và không được trả lương.

Tất cả những biện pháp này bị phong trào phản đối «chứng nhận y tế» lên án là «độc tài dịch tễ», «giết chết tự do». Thế nhưng, đối với thủ tướng Pháp, chỉ «nhờ vào tập thể, chúng ta mới thắng được đại dịch»./.

Theo Thu Hằng -rfi.fr

Bài viết cũ hơn