Olympic Tokyo 2020: Thế vận hội đặc biệt nhất lịch sử

Cuối cùng Olympic Tokyo 2020 đã được khai mạc tại thủ đô Nhật Bản tối ngày 23/07/2020. Đây là kỳ Thế vận hội đặc biệt nhất trong lịch sử phong trào Olympic hiện đại, diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới.

Không có không khí của ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh, các cuộc tranh tài đỉnh cao vắng bóng khán giả, không có tiếng reo hò cổ vũ, ăn mừng chiến thắng, mọi nghi thức hoành tráng được rút gọn hoặc thay thế bằng các thủ tục đơn giản ngắn gọn, những quy định giám sát phòng dịch khắt khe.

Vượt lên trên mối đe dọa dịch bệnh, nước chủ nhà Nhật Bản và Ủy ban Olympic quốc tế CIO trong suốt một năm qua đã nỗ lực hết sức để duy trì sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh, biểu tượng cho tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm vượt qua mọi thách thức của nhân loại.

Đài lửa Olympic trên sân vận động Quốc gia ở Tokyo được thắp sáng ngày khai mạc Thế Vận Hội mùa hè Tokyo 2020, ngằy 23/07/2021

Đài lửa trên sân vận động Quốc gia ở Tokyo được thắp sáng trong lễ khai mạc Thế Vận Hội mùa hè Tokyo 2020, ngằy 23/07/2021. AP – Lee Jin-man

Mặc dù đại dịch kéo dài ở khắp mọi nơi trên thế giới đã gây trở ngại rất nhiều cho việc tập luyện của các vận động viên suốt hơn một năm qua, nhưng Olympic Tokyo vẫn quy tụ đông đảo những tài năng thể thao đỉnh cao của thế giới. Ngoại trừ đoàn Bắc Triều Tiên bỏ cuộc vì lý do dịch Covid, tổng cộng vẫn có 11058 vận động viên đại diện cho 206 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp hành tinh đến Tokyo so tài.

Trong số các vận động viên đến Tokyo, đoàn Mỹ tham dự đông đảo nhất với 630 vận động viên, xếp trên nước chủ nhà có 552 vận động viên. Điều này đã chứng minh cho sức sống mãnh liệt của thể thao, quyết tâm không khuất phục trước đe dọa của dịch bệnh. Không khí của ngày hội lớn có thể không được  cuồng nhiệt như vốn có, nhưng tinh thần thể thao cao cả của phong trào Olympic vẫn còn đó.

Trong hai tuần thi đấu, Olympic Tokyo sẽ trao 339 bộ huy chương cho các vận động viên thi đấu ở 33 môn thể thao. Đây là kỳ Thế vận hội có số lượng môn thi đấu kỷ lục.

Tokyo là một trong những thành phố lớn nhất, hiện đại và đông đúc nhất thế giới. Tokyo luôn ấn tượng bởi sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, từ những danh lam thắng cảnh được thiên nhiên ưu đãi đến những công trình kiến trúc hiện đại… mỗi nơi điều mang một nét đẹp riêng .Khoảng 30 triệu dân tương đương 1/4 dân số Nhật Bản đang sống tại vùng Tokyo.
Các sự kiện của Olympic Tokyo 2020 dự kiến diễn ra tại 41 địa điểm thi đấu và chính quyền Tokyo đã dành 400 tỷ Yen (hơn 3,67 tỷ USD) để trang trải các chi phí quảng bá, xây dựng và sửa chữa cơ sở hạ tầng. Ngoài sân vận động quốc gia mới, có sức chứa hơn 60.000 người với chi phí xây dựng khoảng 1,4 tỷ USD, một số điểm thi đấu từng diễn ra các cuộc thi đấu tại Olympic 1964 đã được cải tạo để tổ chức thế vận hội lần này.

Khác với các kỳ thế vận hội trước, trung tâm y tế của làng Olympic không chỉ là nơi chăm sóc sức khỏe cho các vận động viên mà còn có nhiệm vụ thực hiện các xét nghiệm COVID-19 theo phương pháp PCR hằng ngày cho thành viên của các đoàn thể thao.

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, Ban tổ chức đã thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt nhất để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm giữa các đoàn thể thao cũng như giữa các đoàn thể thao và người dân bản địa. Đến nay, có ít nhất 75% vận động viên và thành viên các đoàn thể thao tham dự Olympic đã được tiêm vaccine phòng COVID-19. Bản thân Nhật Bản cũng đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng trong nước. Khi các đoàn thể thao nước ngoài tới Nhật Bản, sau khi lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 và có kết quả âm tính, Ban tổ chức bố trí các xe buýt riêng chở họ từ sân bay về thẳng làng Olympic. Tại đây, các vận động viên sẽ được kiểm tra thân nhiệt trước khi lên một xe buýt nhỏ hơn để về chỗ ở. Các nhà tổ chức chỉ cho phép các vận động viên vào làng vận động viên 5 ngày trước khi thi đấu, đồng thời yêu cầu họ phải rời khu vực này trong vòng 2 ngày sau khi kết thúc thi đấu.

Trong thời gian diễn ra Olympic, các nhà tổ chức sẽ tiến hành xét nghiệm hằng ngày đối với các vận động viên. Khi có vận động viên hoặc quan chức thể thao dương tính với virus SARS-CoV-2, tùy vào mức độ nghiêm trọng, họ sẽ được nhập viện hoặc chuyển tới một khách sạn bên ngoài làng vận động viên để cách ly. Đánh giá về các biện pháp phòng dịch quyết liệt của Nhật Bản,  Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC)  khẳng định Olympic Tokyo sẽ là “sự kiện thể thao được kiểm soát gắt gao nhất trên thế giới từ trước tới nay”.

Sân vận động quốc gia Nhật Bản sẽ là địa điểm tổ chức thi đấu các môn thể thao trong Olympic Tokyo 2020 và Paralympic Tokyo 2020 từ 24/7-9/8. (Ảnh Kyodo News)

Sân vận động quốc gia Nhật Bản có sức chứa hơn 60.000 người là nơi tổ chức thi đấu các môn thể thao trong Olympic Tokyo 2020

Việc vẫn quyết định tổ chức Olympic Tokyo 2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục có những diễn biến khó lường chắc hẳn là một quyết định khó khăn của các nhà tổ chức, đặc biệt là của nước chủ nhà Nhật Bản. Bởi họ đã phải đấu tranh giữa việc tổ chức một sự kiện thể thao lớn của hành tinh với sự chuẩn bị kéo dài trong nhiều năm, vừa phải căng mình đối phó trước những nguy cơ đang cận kề của dịch bệnh.

Nhưng nói như người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus: Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 vẫn nên được tổ chức để chứng minh cho thế giới thấy những gì có thể đạt được với kế hoạch đúng đắn và các biện pháp phù hợp trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Theo ông, thế giới cần Thế vận hội lúc này như một sự kiện của hy vọng. “Thế vận hội có sức mạnh để mang cả thế giới lại với nhau, truyền cảm hứng, thể hiện những gì có thể. Cầu mong những tia hy vọng từ vùng đất này sẽ chiếu sáng một bình minh mới cho một thế giới khỏe mạnh, an toàn hơn và công bằng hơn. Tôi chân thành hy vọng Olympic Tokyo diễn ra thành công tốt đẹp“, ông nói./.

Tổng hợp từ nguồn fri.fr và dangcongsan.vn

Bài viết cũ hơn