Some thoughts on the organization of urban agricultural space in the suburbs of Hanoi

Bài viết của GS.TS. KTS. Đỗ Hậu – Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam (Article by GS.TS. Architects. Do Hau – Vice President of Vietnam Urban Planning  and Development Association)

Abstract: Urban agriculture plays an important role in Hanoi people’s lives. Influenced by the impact of urbanization and the process of land area expanding, organizing the urban agricultural space in the sub-urban areas around Hanoi city is facing many difficulties, challenges and therefore many shortcomings are unsolved. Towards sustainable urban development, the article has raised issues that need attention to organize urban agricultural space in the coming time.

Problems posed in the organization of urban agricultural space in the peri-urban area of Hanoi in the near future

In fact, the urbanization process of Hanoi city has led to the breakdown of the structure of the suburban rural area, this area has villages that have been built for a long time with many economic models. characteristics, such as traditional craft villages: carpentry production, sewing in Thach That, Bat Trang ceramics, Kieu Ky gold and silver…, purely agricultural villages: such as high-quality rice, flower and ornamental plants growing areas, aquaculture. produce, safe vegetables, concentrated livestock…, this process has lost the traditional elements of the village. Urbanization is also the cause for the decline of famous craft villages, the loss of many traditional occupations with specific products, or the loss of many precious plant varieties and specialties.
From the urban structure model, it is necessary to determine the existence of suburban and suburban countryside, but for effective development, it is necessary to orientate the establishment of planning research with the requirements of multi-sectoral integration, both stability. production planning, rural consolidation associated with the urbanization of Hanoi. It is necessary to combine new rural construction with urban development, population and labor management, food security, climate change mitigation, and green space for the whole urban area.
Choosing a suburban planning model can not only be based on administrative units, but needs to be based on long-term production function zoning, with innovative content, multi-sectoral integration to determine the steps for each stage to urbanize. Hanoi cannot be patchwork.
It is necessary to identify agriculture as an important factor to solve environmental problems. On that basis, it is necessary to do well the task of planning, arranging production and zoning the agricultural economy. Therefore, agricultural development in the suburbs of Hanoi must be consistent with these general plans, taking the planning as an important basis in the agricultural development process of the city.
Improve the quality and efficiency of state management of agricultural and rural development, especially perfecting mechanisms and policies on land, tax policies, credit policies, etc. to review and complete improve agricultural development plannings, projects and programs.
To revise and perfect the master plans, programs and projects to suit the current actual situation in terms of both economy and society; formulating new programs, schemes and projects and well implementing hi-tech agricultural programs, investing in and upgrading infrastructure in service of agricultural production;
Organize agricultural production according to concentrated commodity production areas; strengthening and developing cooperative organizations of farmers in production and consumption of products (cooperatives, farms, associations, groups);
Minimizing the leveling of lakes, ponds, canals, preserving the landscape of the area and protecting the urban environment.
Take advantage of unexploited vacant land, land areas along rivers and lakes to grow fruit trees or green vegetables to serve local people…
Supplement and complete the agricultural land use planning to be suitable with the program of transforming the structure of plants and animals; legalize detailed planning for districts with agricultural production, implement democratic regulations in planning and land use planning.
Research on models of urban agricultural space organization suitable to the actual situation of high-urbanization areas preparing to be transformed into districts as well as models of urban agricultural space organization suitable to suburban areas towards sustainable urban development.

Một vài suy nghĩ về tổ chức không gian nông nghiệp đô thị trên địa bàn ven đô Hà Nội

  1. Đặt vấn đề:

Không gian nông nghiệp đô thị (NNĐT): Là không gian đô thị chứa đựng tất cả các hoạt động có liên quan đến NNĐT, được gọi là không gian đa chức năng trong hoạt động NNĐT. Không gian đô thị có bao gồm yếu tố NNĐT có thể hiểulà không gian bao gồm các vật thể kiến trúc, cây xanh, mặt nước và hoạt động chăn nuôi trồng trọt thích hợp trong môi trường đô thị có tác động trực tiếp đến cảnh quan đô thị. Như vậy có thể xem không gian NNĐT bao gồm cảnh quan đô thị truyền thống và cảnh quan đô thị sản xuất phái sinh.

Về mặt lý luận, hầu hết các lý thuyết về phát triển đô thị gần đây đều nhìn nhận nông nghiệp có vai trò ngày càng quan trọng trong việc góp phần quy hoạch xây dựng phát triển đô thị bền vững theo hướng sinh thái, bằng những giá trị về giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện môi trường, gia tăng cảnh quan đô thị, tăng hiệu quả sử dụng đất đô thị. Đứng trước hàng loạt các vấn đề khó khăn do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, NNĐT đã trở thành chìa khóa mở ra con đường phát triển bền vững cho các đô thị và tổ chức không gian nông nghiệp đô thị ngày càng được nhiều tổ chức, nhiều học giả quan tâm nghiên cứu.

Nhìn chung, các nghiên cứu về NNĐT và không gian nông nghiệp đô thị ở nước ngoài rất đa dạng về thể loại, đặc biệt là từ các khía cạnh không gian thực hành NNĐT, các nghiên cứu về NNĐT ở Việt Nam còn ít về số lượng, hạn chế về lĩnh vực và phạm vi nghiên cứu, và được công bố trong khoảng mười năm gần đây. Các nghiên cứu về không gian nông nghiệp đô thị còn rất ít, chủ yếu xoay quanh vấn đề là làm thế nào để dung hòa các yêu cầu quy hoạch và vai trò của nông nghiệp trong nền kinh tế đô thị. Các kết quả công bố về mảng đề tài này chủ yếu là các bài báo, các tham luận hội thảo khoa học ở một số đô thị và một số ít luận án tiến sĩ trong những năm gần đây.

Không gian nông nghiệp đô thị bao gồm không gian trong hai khu vực đô thị: không gian nông nghiệp đô thị trên không gian đất sản xuất nông nghiệp truyền thống và không gian nông nghiệp đô thị kết hợp với các không gian chức năng khác trong đô thị.

Không gian khu vực ven đô thành phố Hà Nội là không gian tiếp giáp xung quanh các khu vực đô thị tại 17 huyện và 01 thị xã Sơn Tây, có chức năng tổng hợp thuộc hành lang xanh, có tính chất khác nhau và chịu tác động trực tiếp bởi tốc độ đô thị hóa tại các khu vực trọng điểm phát triển đô thị vùng ven đô thành phố Hà Nội (đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh,các thị trấn).

Các huyện trong khu vực thành phố Hà Nội trong những năm qua đã có nhiều thay đổi quan trọng về dân số, diện tích sử dụng đất ,cơ cấu lao động ngành nghề,kết cấu hạ tầng cũng như không gian kiến trúc cảnh quan. Dưới tác động của đô thị hóa và trước những thay đổi trên, công tác tổ chức không gian nông nghiệp đô thị tại các khu vực ven đô thủ đô Hà nội đang gặp nhiều khó khăn,thách thức và có nhiều tồn tại bất cập.

2. Tầm quan trọng của nông nghiệp đô thị: 

Trong quá trình đô thị phát triển, nông nghiệp đô thị giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội và đời sống của người dân thủ đô:

Định hướng QHCXD Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (Nguồn QH1259)

    Thứ nhất, nông nghiệp đô thị góp phần cung ứng nguồn lương thực, thực phẩmtươi sống tại chỗ cho các đô thị: Trên thực tế khách quan, với quy mô dân số đô thị không ngừng gia tăng trong quá trình đô thị hóa, quá trình này cũng đồng thời đẩy các hộ dân nghèo ven đô vào tình thế mất tư liệu sản xuất chính và gia tăng các hộ khó khăn, hộ thu nhập thấp ở khu vực đô thị. Để đảm bảo phát triển bền vững, giảm khoảng cách quá xa trong nhu cầu dinh dưỡng thiết yếu của người dân đô thị, phát triển nông nghiệp đô thị thực sự là một giải pháp quan trọng hiện nay. Do vậy, nguy cơ thiếu lương thực, dinh dưỡng ở người dân thành thị lớn hơn so với nông thôn, nhất là trong điều kiện giá cả các mặt hàng thiết yếu gia tăng mạnh như hiện nay. Nếu việc sản xuất nông nghiệp được quy hoạch hợp lý, nông nghiệp đô thị có thể tạo ra nguồn lương thực, thực phẩm tươi sống và an toàn, tại chỗ góp phần lớn vào việc đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của cư dân đô thị.

Thứ hai, nông nghiệp đô thị tạo việc làm và thu nhập cho một bộ phận dân cư ở đô thị. Quá trình mở rộng các đô thị một mặt làm cho diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, nhưng mặt khác thúc đẩy nhiều khu vực nông nghiệp nông thôn chuyển thành khu vực nông nghiệp đô thị. Sự chuyển đổi đó diễn ra bắt đầu từ sự thay đổi địa bàn sản xuất đến chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lao động nông nghiệp, cơ cấu lãnh thổ sản xuất, các loại hình và phương hướng sản xuất, hướng chuyên môn hoá. Đây là một hướng tất yếu phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Trong tiến trình đô thị hóa, vì các mục tiêu chung của các đô thị mà vấn đề thu hẹp diện tích đất nông nghiệp của nông dân ven đô diễn ra phổ biến.

Người dân mất tư liệu sản xuất, buộc phải chuyển đổi nghề nghiệp trong điều kiện không có trình độ, vốn hạn chế, kinh nghiệm thích ứng với lối sống và tác phong công nghiệp rất thấp vì vậy vấn đề việc làm cho người lao động, nhất là những gia đình ven đô càng trở nên cấp thiết. Bên cạnh đó, làn sóng di chuyển dân cư từ nông thôn về thành thị để tìm kiếm việc làm cũng gia tăng nhanh chóng. Như vậy, nếu nông nghiệp đô thị được quan tâm và có quy hoạch, có chiến lược phù hợp để tận dụng quỹ đất đô thị và sức lao động dôi dư sẽ góp phần quan trọng vào việc giải quyết việc làm và thu nhập trong tiến trình đô thị hóa.

Thứ ba, nông nghiệp đô thị dễ tiếp cận các dịch vụ đô thị. Trong điều kiện quỹ đất đô thị và vùng ven bị hạn chế, việc áp dụng công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp để tăng sản lượng cây trồng vật nuôi là vấn đề mang tính tất yếu và có vai trò rất quan trọng. Trong khi một bộ phận khá lớn nông dân ở khu vực nông thôn chưa có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ khoa học và công nghệ cao, còn tổ chức sản xuất sản xuất nông nghiệp theo lối quảng canh, truyền thống thì nông nghiệp đô thị có rất nhiều thuận lợi trong việc vận dụng những dịch vụ khoa học, công nghệ vào sản xuất. Bên cạnh đó, nông nghiệp đô thị còn có khả năng phát triển theo các mô hình chuyên biệt để cung ứng nhiều dịch vụ cho đô thị như cung cấp cây xanh, hoa tươi và thực phẩm cho khách sạn, cung ứng dịch vụ du lịch, dịch vụ an dưỡng…

Thứ tư, nông nghiệp đô thị góp phần quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên, giảm ô nhiễm môi trường. Nông nghiệp đô thị có thể tái sử dụng chất thải đô thị để làm phân bón, nước tưới… cho sản xuất nông nghiệp, góp phần đáng kể trong việc làm giảm ô nhiễm môi trường. Chất thải đô thị đang thực sự tạo thành áp lực ngày càng tăng cùng với sự gia tăng dân số ở đô thị. Bằng công nghệ xử lý thích hợp, có thể tận dụng một phần nguồn chất thải đô thị phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất sạch, an toàn và hiệu quả. Điều này thật sự có ý nghĩa trong việc cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống. Nông nghiệp là ngành sản xuất yêu cầu một lượng nước rất lớn tuy nhiên với nông nghiệp đô thị bằng cách tái sử dụng nguồn nước thải có thể cải thiện công tác quản lý tài nguyên nước hướng tới mục tiêu phát triển bền vững cho các đô thị.

Tại các đô thị, tình trạng đất đai bị bẩn hóa, suy thoái, thiếu màu mỡ cũng được quan tâm không kém so với việc ô nhiễm và thiếu nguồn nước. Phần lớn đất đai kém phì nhiêu, bị nhiễm bẩn do các hóa chất công nghiệp, do bị ảnh hưởng bởi hoạt động xây dựng… Một trong những nhiệm vụ quan trọng của nông nghiệp đô thị là tái tạo chất dinh dưỡng cho đất thông qua tái sử dụng các chất thải hữu cơ từ các hoạt động của đô thị. Điều này vừa góp phần giảm ô nhiễm môi trường cho các đô thị vừa giảm các hóa chất khi đưa phân bón hóa học vào đất dễ gây ô nhiễm thêm lại vừa giảm được chi phí mua phân bón. Nông nghiệp đô thị được sản xuất tại chỗ ven các đô thị nên sau thu hoạch, chi phí đóng gói, vận chuyển và bảo quản bằng kho lạnh được bỏ qua nên góp phần giảm giá thành đến mức tối đa. Chất lượng các sản phẩm được đảm bảo an toàn đồng thời góp phần giảm lượng xe cộ trọng tải lớn vào ra các đô thị, giảm tai nạn và ô nhiễm đáng kể cho khu vực đô thị.

Thứ năm, nông nghiệp đô thị góp phần tạo cảnh quan đô thị và cải thiện sức khỏe cộng đồng. Mục tiêu phát triển “đô thị sinh thái”, “đô thị xanh” hướng tới là quy hoạch và xây dựng các đô thị có môi trường và cảnh quan thân thiện với thiên nhiên, đảm bảo các tiêu chuẩn tốt cho sức khỏe cộng đồng. Đối với mục tiêu này trong tiến trình đô thị hóa và phát triển của các đô thị, phát triển nông nghiệp đô thị thực sự là một giải pháp hiệu quả nhất. Ngoài các ý nghĩa như trên, nông nghiệp đô thị sẽ tạo ra hệ thống cảnh quan, các vành đai xanh rất ý nghĩa cho các đô thị (cây xanh, công viên, mảng xanh trên các ban công, hay các vành đai xanh bao quanh ven đô…là những hình thức và sản phẩm của nông nghiệp đô thị). Sản xuất nông nghiệp đô thị một mặt vừa đảm bảo các nhu cầu về dinh dưỡng, mặt khác nó cũng chính là một hình thức lao động, giải trí góp phần nâng cao thể lực, trí lực cho cư dân đô thị.

3. Tác động của đô thị hóa tới không gian nông nghiệp đô thị Hà Nội

Theo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, diện tích đất nông nghiệp còn khoảng 152,242.0 ha. Do đô thị hóa tăng nhanh, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở Hà Nội ngày càng bị thu hẹp, đồng thời tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước, không khí… đang đe dọa môi trường sống, sinh hoạt và sản xuất của cư dân nơi đây, như nước dùng cho nuôi trồng thủy sản trên địa bàn các huyện giáp ranh với khu vực nội đô như Từ Liêm, Thanh Trì, Thanh Oai, Chương Mỹ… bị ô nhiễm khá nặng, ảnh hưởng lớn đến nuôi trồng thủy sản, cũng như môi trường sống của người dân các địa phương này.

Trong giai đoạn 2011-2015, diện tích đất nông nghiệp giảm trung bình 5.500-6.000ha/năm, bình quân mỗi năm giảm trên 1000ha; nguyên nhân chính của việc giảm diện tích đất sản xuất nông nghiệp là chuyển sang đất phi nông nghiệp, chủ yếu là đất ở, đất khu công nghiệp và đất giao thông… Trong khi đó, các quy hoạch và kế hoạch phát triển ở Hà Nội thời gian vừa qua như quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội các huyện, quy hoạch phát triển nông nghiệp Hà Nội, quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở các huyện vùng ven đô đến năm 2020 theo hướng nông nghiệp đô thị, giá trị cao, kinh tế xanh và phát triển bền vững. Tuy nhiên, các nội dung đó về cơ bản mới chỉ có tính chất thí điểm ở những vùng nông nghiệp chuyên canh đặc thù, chưa được phát triển trên diện rộng, vì vậy, nông nghiệp ven đô chưa được rõ nét, làm giảm vai trò của những vành đai xanh.

Bảng 1.1 Quy hoạch sử dụng đất sản xuất nông nghiệp ởTP Hà Nội đến năm 2020

STT Chỉ tiêu 2016 2020 2016-2020
  Tổng diện tích tự nhiên   332,889.0 332,889.0 0.0
1 Đất nông nghiệp NNP 168,791.0 152,242.0 -16,549.0
  Trong đó:   0.0 0.0 0.0
1.1 Đất trồng lúa LUN 99,956.0 92,120.0 -7,836.0
Trong đó: Đất chuyên trồng lúa nước (2 vụ trở lên) LUC 97,197.0 92,000.0 -5,197.0
1.2 Đất trồng cây lâu năm CLN 13,593.0 11,459.6 -2,133.4
1.3 Đất rừng phòng hộ RPH 7,782.0 9,000.0 1,218.0
1.4 Đất rừng đặc dụng RDD 12,085.0 13,545.7 1,460.7
1.5 Đất rừng sản xuất RSX 6,493.0 4,161.2 -2,331.8
1.6 Đất nuôi trồng thuỷ sản NTS 10,586.0 10,317.9 -268.1

(Nguồn: Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011 – 2015) của TP HN

Việc thu hồi đất nông nghiệp vào mục đính khác đã làm thay đổi cơ cấu nông nghiệp, giảm sản lượng lúa, rau quả, tạo ra một luồng lao động tự phát tràn vào đô thị, gia tăng áp lực cho đô thị trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng và an ninh xã hội.Trong quá trình mở rộng đất đô thị, một số  hồ ao, các khu vực thấp, các khu cây xanh tự nhiên bị lấy đất để xây dựng mở rộng đô thị đã làm ảnh hưởng đến nguồn dự trữ nước chống ngập lũ và môi trường sinh thái cảnh quan bị thay đổi theo hướng xấu đi.

4. Những vấn đề đặt ra trong tổ chức không gian nông nghiệp đô thị khu vực ven đô thành phố Hà Nội trong thời gian tới

Trên thực tế quá trình đô thị hóa của TP Hà Nội đã dẫn đến sự phá vỡ cấu trúc khu vực nông thôn ven đô, khu vực này có các làng xã đã được xây dựng hình thành từ rất lâu đời với nhiều mô hình kinh tế đặc trưng, như làng nghề truyền thống: sản xuất đồ mộc, may ở Thạch Thất, gốm sứ Bát Tràng, vàng bạc Kiêu Kỵ…, làng thuần nông: như vùng trồng lúa, hoa, cây cảnh chất lượng cao, nuôi trồng thuỷ sản, rau an toàn, chăn nuôi tập trung…, quá trình này đã làm mất đi các yếu tố truyền thống làng xã. Đô thị hóa cũng là nguyên nhân cho sự suy thoái của làng nghề nổi tiếng, việc thất truyền của nhiều nghề truyền thống với những sản phẩm đặc trưng, hay việc mất đi, nhiều giống cây trồng, đặc sản quý …

Từ mô hình cấu trúc đô thị đã xác định sự tồn tại của nông thôn ngoại thành, ven đô là cần thiết nhưng để phát triển có hiệu quả cần định hướng xác lập nghiên cứu quy hoạch với yêu cầu tích hợp đa ngành, vừa ổn định sản xuất, củng cố nông thôn gắn với đô thị hoá của Hà Nội. Cần kết hợp xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị, quản lý dân số, lao động, an ninh lương thực, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, đáp ứng không gian xanh cho cả đô thị.

Lựa chọn mô hình quy hoạch ngoại thành không thể chỉ dựa vào đơn vị hành chính mà cần theo phân vùng chức năng sản xuất lâu dài, với nội dung đổi mới, tích hợp đa ngành xác định bước đi cho từng giai đoạn để đô thị Hà Nội không thể là chắp vá.

Cần xác định nông nghiệp là yếu tố quan trọng để giải quyết vấn đề môi trường.Trên cơ sở đó phải làm tốt nhiệm vụ lập quy hoạch, bố trí sản xuất và phân vùng kinh tế nông nghiệp. Do đó, phát triển nông nghiệp ven đô Hà Nội phải phù hợp các quy hoạch chung này, lấy quy hoạch làm căn cứ quan trọng trong quá trình phát triển nông nghiệp của thành phố.

Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn đặc biệt là hoàn thiện các cơ chế, chính sách về đất đai, chính sách thuế, chính sách tín dụng,… rà soát và hoàn thiện các quy hoạch, đề án, chương trình phát triển nông nghiệp.

Chỉnh sửa, hoàn thiện lại các quy hoạch, chương trình, đề án cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay cả về kinh tế, xã hội; xây dựng chương trình, đề án, dự án mới và thực hiện tốt chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp;

Tổ chức sản xuất ngành nông nghiệp theo vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh tập trung; củng cố và phát triển các tổ chức hợp tác của nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm (HTX, trang trại, Hội, Nhóm);

Hạn chế tối đa việc san lấp hồ ao,kênh mương,gìn giữ cảnh quan khu vực và bảo vệ môi trường đô thị.

Tận dụng các khu đất trống chưa khai thác sử dụng, các khu đất bãi ven sông hồ để trồng cây ăn quả hoặc rau xanh phục vụ tại chỗ cho người dân địa phương…

Bổ sung và hoàn chỉnh lại quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp cho phù hợp với chương trình chuyển đổi  cơ cấu cây trồng vật  nuôi; pháp lý hóa quy hoạch chi tiết cho các quận, huyện có sản xuất nông nghiệp, thực hiện quy chế dân chủ trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Nghiên cứu các mô hình tổ chức không gian nông nghiệp đô thị phù hợp với tình hình thực tiễn của vùng có tốc độ đô thị hóa cao chuẩn bị chuyển thành các quận cũng như mô hình tổ chức không gian nông nghiệp đô thị phù hợp với vùng ven đô theo định hướng phát triển đô thị bền vững.

Tài liệu tham khảo

  • Vũ Hoài Đức, Phát triển nông nghiệp đô thị theo mô hình hiện đại – hướng đi góp phần hình thành vành đai xanh, hành lang xanh theo quy hoạch chung.
  • Phạm Thị Nhâm, Quy hoạch phát triển bền vững khu vực phát triển mới vùng ven đô Hà Nội trong quá trình hội nhập
  • Phạm Văn Khôi (2004), Phát triển nông nghiệp ngoại thành Hà Nội theo hướng nông nghiệp sinh thái, Nxb Nông nghiệp, Hà Nội.
  • Đào Ngọc Nghiêm, Đô thị hóa khu vực ven đô thành phố Hà Nội và những thách thức đặt ra, Hội thảo phát triển Nông nghiệp ven đô trong đô thị hóa, tháng 10, 2017.
  • Trần Trọng Phương, Phát triển nền nông nghiệp ven đô theo hướng nông nghiệp đô thị sinh thái trong quá trình đô thị hóa ở thành phố Hà Nội, Hội thảo phát triển nông nghiệp ven đô, 2017
  • Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050
  • Các Báo cáo của Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Thành phố Hà nội về Nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao
  • Các báo cáo của Viện Nghiên cứu phát triển KTXH Hà Nội về tình hình thực hiện chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2016-2020.

 

 

Bài viết cũ hơn