Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đồng chủ trì Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 5

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 với chủ đề: “Kinh tế Việt Nam năm 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức” đã diễn ra ngày 17/12. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên tổng thể Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 5 cùng với Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và đại diện lãnh đạo Quốc hội.

Diễn đàn thảo luận, làm rõ về đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức, lựa chọn chính sách cho phù hợp trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Quy mô diễn đàn gồm một phiên toàn thể do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cùng đại diện lãnh đạo Quốc hội đồng chủ trì tổ chức vào buổi chiều cùng ngày.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tổng kết Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 (Ảnh: VGP).

Diễn đàn được tổ chức kết hợp trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu là lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, đại diện các tổ chức quốc tế đa phương và đại sứ quán, lãnh sự quán một số nước, các doanh nghiệp, hiệp hội, trường đại học, viện nghiên cứu, chuyên gia trong nước và quốc tế.

4 chuyên đề với các trọng tâm khác nhau sẽ diễn ra trong buổi sáng với các chủ đề gồm: Kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng kinh tế mới; Lành mạnh hóa thị trường tài chính và thị trường bất động sản để phát triển kinh tế nhanh và bền vững; Đẩy nhanh tháo gỡ những điểm nghẽn về đầu tư công và nút thắt về vốn cho doanh nghiệp; Bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi và việc làm gắn với phát triển kinh tế năm 2023.

Ông Trần Tuấn Anh – Trưởng Ban Kinh tế Trung ương – cho biết, năm 2022 cũng sắp qua đi, nhìn lại chúng ta thấy Việt Nam đã đạt được rất nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế xã hội. Dự báo tốc độ tăng trưởng GDP có thể đạt từ 8 -8,2%.

Tuy nhiên, chúng ta cũng đang đối mặt với năm 2023 với rất nhiều khó khăn, thách thức với những diễn biến hết sức phức tạp. Trước hết là sự suy giảm của tăng trưởng kinh tế thế giới, ở rất nhiều các quốc gia quốc gia lớn, các nền kinh tế lớn của thế giới và thậm chí ở nhiều nền kinh tế đã chứng kiến dấu hiệu của suy thoái.

Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính phát biểu tại Hội nghị

Bên cạnh đó, những xu thế của lạm phát đang tăng nhanh cũng đang gây ra rất nhiều hệ lụy và tác động tới kinh tế và thương mại quốc tế. “Chúng ta cũng đang chứng kiến những sự suy giảm của tăng trưởng không chỉ kinh tế mà thương mại và đầu tư trên toàn cầu. Những vấn đề này sẽ gây ra câu chuyện tác động và hệ lụy có thể nói rất tiêu cực đến các nền kinh tế nhất là các quốc gia đang phát triển trong đó có Việt Nam”, ông Trần Tuấn Anh nêu.

Việt Nam cũng đang đối diện với rất nhiều vấn đề mang tính nội tại và nó chưa được giải quyết. Ông ví dụ những dấu hiệu trong thời gian vừa qua như dấu hiệu bất ổn của thị trường bất động sản, của thị trường vốn, rồi khả năng thanh khoản của các tổ chức tín dụng… Khả năng chống chịu của nền kinh tế, năng lực tự chủ của nền kinh tế còn thấp.

Do vậy theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương, chúng ta phải làm sao rút ra được bài học kinh nghiệm, và đặc biệt Diễn đàn này bên cạnh việc làm rõ được bài học kinh nghiệm, chúng ta cũng phải nhận diện rất rõ những khó khăn, thách thức và cả những cơ hội cho chúng ta trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước cũng như thực hiện các nghị quyết của Đảng./.

Theo Báo Dân trí online

Bài viết cũ hơn