TP. HCM: khát vọng hướng tới một đô thị thông minh, năng động, sáng tạo, đẳng cấp khu vực và quốc tế.

Sáng 5/5, UBND TP.HCM đã tổ chức Hội thảo khoa học “Định hướng phát triển TP. HCM thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045“, với sự tham dự của các nhà lãnh đạo cao nhất của Thành phố. Hội thảo nhằm lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, đến từ các cơ quan trung ương và địa phương, về những giải pháp lớn cho sự phát triển TP.HCM. Đây sẽ là cơ sở để đặt ra những yêu cầu đối với đơn vị tư vấn lập quy hoạch phát triển TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Khu trung tâm TP. HCM. Ảnh nguồn wap102.com

 Theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong, TP.HCM đã chủ động triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XI và đề ra các mục tiêu trung và dài hạn như: đến năm 2025 là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại. Thành phố sẽ giữ vững vai trò đầu tầu kinh tế, là động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Thành phố cũng đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. với GRDP bình quân đầu người đạt 8.500 USD.

Đến năm 2030 sẽ là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số và xã hội số. GRDP bình quân đầu người khoảng 13.000 USD, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á. Đến năm 2045, đây sẽ là trung tâm về kinh tế, tài chính của Châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000 USD, đồng thời là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.

Để triển khai hiệu quả những định hướng đó, Thành phố nhận thức cần phải đánh giá, phân tích, dự báo các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù, khơi dậy các tiềm năng, thế mạnh và tìm kiếm các giải pháp đột phá để phát triển trong bối cảnh mới. Việc tổ chức Hội thảo này là một trong số nhiều giải pháp, Qua đây, Thành phố sẽ lắng nghe, thu nhận ý kiến, hiến kế của các chuyên gia, nhằm hiện thực hóa khát vọng vươn lên mạnh mẽ của TP.HCM, đưa thành phố hướng tới là một đại đô thị thông minh, năng động, sáng tạo, đẳng cấp khu vực và quốc tế.

Hội thảo thu nhận ý kiến các nhà khoa học, các cơ quan Trung ương và địa phương về những giải pháp lớn phát triển TP.HCM

Hội thảo đã nhận được gần 90 bài tham luận, các bài viết chủ yếu đề cập đến khát vọng, triển vọng phát triển kinh tế thành phố giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, sự phát triển của TP.HCM cần theo hướng đô thị bền vững, đô thị thông minh, cần tập trung đẩy nhanh chính quyền số, xã hội số, nâng cao chất lượng dịch vụ công; Định hướng cơ cấu kinh tế thành phố cần thể hiện vai trò là hạt nhân trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Đông Nam Bộ. Các tham luận cũng đưa ra triển vọng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong dự báo và mô phỏng kinh tế – tài chính, bằng việc phát triển điện toán lượng tử vào triển khai đô thị thông minh, xã hội số.

Phát biểu tại hội thảo, TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (FSPPM), nêu quan điểm: “để phát triển, thành phố cần định vị xem mình đang ở đâu và muốn phát triển thế nào trong giai đoạn tới“. Ông cho rằng: TP..HCM không chỉ là đầu tàu kinh tế tăng trưởng toàn quốc, mà còn phải trở thành siêu đô thị toàn cầu, một trung tâm kinh tế tài chính – văn hóa của khu vực, bao gồm Đông Nam Á và hướng tới châu Á. Đây là vị thế mà TP..HCM nên hướng tới. Từ đó, thành phố cần có một số ưu tiên chiến lược, thay vì chọn làm quá nhiều thứ cùng một lúc. Bởi vì, thành phố sẽ không đủ nguồn lực cả về thời gian, con người và thể chế tổ chức để thực hiện. Nói về điều kiện để thực hiện các chiến lược, ông Tự Anh nhấn mạnh 3 nút thắt lớn của TP. HCM là: cơ sở hạ tầng, cải cách thể chế và chất lượng nguồn nhân lực.

TS. Trần Du Lịch chỉ ra rằng TP.HCM đang ngày càng “đuối tầm” trong vai trò là đầu tàu tăng trưởng kinh tế của Vùng và cả nước. Ông phân tích từ 1991 đến 2010, tốc độ tăng GDP bình quân của thành phố là 10,5%/năm, gấp 1,5 lần GDP cả nước. Từ 2011 đến 2020, tốc độ tăng GDP giảm còn 7,2%/năm, gấp 1,2 lần cả nước. Đến năm 2020, lần đầu tiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP.HCM chỉ bằng 0,45 lần cả nước. “Dĩ nhiên nguyên nhân khách quan là đại dịch Covid-19, nhưng qua tình hình này cũng cho thấy khả năng chống chịu trước những biến động bất thường của kinh tế thành phố là rất yếu.

Chuyên gia này chỉ ra 3 bất cập mà suốt 20 năm, thành phố chưa giải quyết được: Cơ cấu kinh tế không khai thác được thế mạnh địa kinh tế và nguồn nhân lực; đô thị phát triển theo “vết dầu loang”; và sự bất cập trong mô hình quản lý đô thị đặc biệt. Do đó, thách thức với sự phát triển của thành phố 10 năm tới là vượt qua rào cản để hình thành tư duy đột phá về cơ cấu và thể chế kinh tế. Phải làm sao để TP.HCM trở thành điểm đến thu hút doanh nghiệp toàn cầu, là lựa chọn ưu tiên của các nhà đầu tư trên thế giới.

 Một trong những giải pháp được đề xuât là TP. HCM cần sự đột phá về hạ tầng giao thông kết nối vùng

TS Trần Du Lịch đề xuất ba nhóm giải pháp: Đầu tiên là cần sự đột phá về hạ tầng giao thông kết nối vùng. Ít nhất phải khép kín các đường vành đai 2 và 3 trong 5 năm tới. Thứ hai, TP..HCM cần một mô hình quản lý đô thị phù hợp để phát huy cao nhất thế mạnh về vị trí và vai trò của thành phố. Thứ ba, về quy mô kinh tế, hiện nay, lợi thế cạnh tranh của TP.HCM chỉ mới so sánh với các địa phương trong nước. Trong khi đó, vị trí và vai trò của nó phải đặt tầm canh tranh với các đô thị lớn trong khu vực.

Theo ông, có 3 nhân tố chính để nâng cao năng lực cạnh tranh thu hút doanh nghiệp là nâng cao năng lực cạnh tranh về thể chế; chất lượng nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng độ thị. Cả 3 yếu tố này vẫn đang còn là điểm yếu của thành phố.

Bên cạnh đó, Hội thảo cũng ghi nhận một số định hướng chiến lược về phát triển TP. Thủ Đức, xứng tầm là cực tăng trưởng mới của một thành phố trong lòng thành phố và trong mới liên kết các đô thị Vùng Đông Nam Bộ; Ghi nhận ý kiến chuyên gia về phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, một số giải pháp để thu hút các nguồn lực trên cơ sở kiến tạo cơ chế huy động những nguồn lực quan trọng…

Ngoài ra, hội thảo cũng đề câđến phát triển du lịch bền vững, an ninh quốc phòng trong phát triển kinh tế – xã hội TP, mô hình bệnh viện thông minh, vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp và định hướng phát triển ngành cấp nước Thành phố.

Người đứng đầu TP. HCM khẳng định: Thành phố trân trọng mọi ý kiến và xem những ý kiến thap góp, hiến kế của các chuyên gia, các nhà khoa học là động lực quan trọng, để thành phố tiếp tục hoàn thiện hơn, sớm đi tới mục đích của mình./.

Chân Phương (tổng hợp theo nguồn hcmcpv.org.vn và zingnew.vn)

Bài viết cũ hơn