TP. HCM: Mô hình nào cho Trung tâm tài chính quốc tế?

Hội thảo “Đề án phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế” do UBND TP.HCM tổ chức ngày 25-2. Hội thảo đã thu hút nhiều ý kiến góp ý về mô hình và cách vận hành Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM của các chuyên gia, doanh nghiệp và các cơ quan chức năng liên quan. 
Phát triển khu tài chính thương mại Thủ Thiêm là 1 trong 4 chương trình hành động để TP. HCM trở thành TTTC quốc tế
Để thực hiện được mục tiêu phát triển thành trung tâm tài chính (TTTC) quốc tế, TP.HCM phải định hướng được yếu tố riêng, khác biệt khi xây dựng mô hình TTTC trên nền tảng giá trị cốt lõi là tài chính. Đây là ý kiến của các chuyên gia đưa ra tại hội thảo.

Chậm để đi chắc, đi dài

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thành – Trường đại học Fulbright Việt Nam – cho rằng dù TP. HCM được đánh giá có nhiều lợi thế để phát triển TTTC, nhưng vẫn rất cần sự đột phá mạnh về cơ chế, chính sách. Chẳng hạn trong lĩnh vực fintech (công nghệ tài chính), TP. HCM có khoảng 200 doanh nghiệp fintech và có nhiều ngân hàng, công ty chứng khoán. Nhưng Thành phố thật sự chưa có tập đoàn tài chính, do hạn chế về giấy phép nên không mở rộng ra được.

Chuyên gia này cho biết mô hình Trung tâm tài chính quốc tế TP. HCM sẽ bao gồm 3 cấu phần: thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng, thị trường vốn và thị trường hàng hóa phái sinh.

TS Lê Xuân Nghĩa cho biết ông đồng tình về 3 trụ cột chính của trung tâm tài chính theo phác thảo trên, bởi đây là những trụ cột để một trung tâm tài chính có thể phát triển và định hình.

Tuy nhiên chuyên gia này cũng lưu ý cần làm rõ đề xuất chính sách với các dịch vụ phụ trợ và tiện ích. Thành phố cần xác định phát triển trung tâm tài chính là ưu tiên “chọn” tài chính và các dịch vụ hỗ trợ, chứ không thể để các dịch vụ hỗ trợ “chọn” ra trung tâm tài chính.

TS Trần Du Lịch – thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ – cho rằng quá trình xây dựng TTTC cần trải dài và phân kỳ, ban đầu là phát triển các nền tảng vững chắc của một TTTC quốc gia (NFC), sau đó trở thành TTTC khu vực (RFC), tiến tới TTTC quốc tế (IFC) và toàn cầu (GFC). Dù ở cấp độ nào, tầm nhìn của nó phải mang tầm nhìn toàn cầu. Theo đó, Thành phố phải chọn cách phát triển chắc chắn nhưng phải có sự đột phá về chính sách rất cao.

Công thức chung của các trung tâm tài chính trên thế giới

Theo chuyên trang Investopedia, các TTTC thường được đặt tại những thành phố có vị trí chiến lược, quy tụ các tổ chức tài chính hàng đầu và các sàn giao dịch chứng khoán có uy tín. Các ngân hàng, công ty thương mại và bảo hiểm cũng tập trung về những thành phố này.

London là một trong hai trung tâm tài chính lớn nhất thế giới cùng với thành phố New York (Mỹ)

Các TTTC hàng đầu thế giới như London (Anh), Zurich (Thụy Sĩ), Frankfurt (Đức), Chicago và New York (Mỹ), Singapore, Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Hong Kong và Thượng Hải (Trung Quốc)… có sức hút nhờ được trang bị cơ sở hạ tầng, hệ thống thông tin liên lạc và thương mại hiện đại nhất. Các thành phố này cũng là điểm đến thuận lợi cho các chuyên gia, vì mức sống cao cùng với cơ hội phát triển rộng lớn.

Đây còn là những nơi có cơ chế pháp lý và điều tiết minh bạch, hợp lý, được hỗ trợ bởi một hệ thống chính trị ổn định. Chẳng hạn, sức hấp dẫn của Singapore nằm ở khung pháp lý minh bạch và lành mạnh đi kèm sự ổn định kinh tế và chính trị, một lực lượng lao động kỷ luật và hiệu quả…

TP. HCM cần cởi nút thắt thể chế bằng “sandbox”

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, 4 chương trình hành động để Thành phố có thể triển khai ngay đến năm 2025 gồm: ưu tiên phát triển Fintech, ngân hàng số và thị trường giao dịch tài chính số tại trung tâm tài chính; Thúc đẩy hội nhập tài chính khu vực cho Trung tâm tài chính quốc tế thành phố; Phát triển khu tài chính thương mại Thủ Thiêm và cuối cùng là phát triển thị trường hàng hóa tại Trung tâm tài chính quốc tế TP. HCM.

Cần nhất là phải có cú hích mạnh về mặt chính sách để TP.HCM vươn lên, bắt kịp với khu vực, trong đó có thể áp dụng cơ chế thử nghiệm (Sandbox)…”, ông Thành nói.

Cầu Thủ Thiêm 2 sẽ là điểm nhấn kiến trúc nổi bật nối trung tâm Quận 1 TP HCM với Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Tuy nhiên, ông Vũ Bằng – nguyên chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước – cho rằng thể chế chính là nút thắt của sức hút của một TTTC. Bởi bản chất thị trường hàng hóa phái sinh là giao dịch tài chính. Với công nghệ hiện nay, địa điểm không còn quan trọng mà cần có chính sách, công cụ phù hợp hấp dẫn nhà đầu tư. “TTTC phải xác định tiến tới mở rộng tới nhiều thị trường khác nữa như M&A, mua bán nợ, thu hút các tài chính lớn phát triển…“, ông Bằng nói.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng khẳng định việc lắng nghe ý kiến góp ý của các chuyên gia, doanh nghiệp, cơ quan chức năng liên quan hôm nay sẽ góp phần hỗ trợ Thành phố hiện thực hóa mục tiêu đã đề ra là trở thành một trung tâm tài chính quốc tế. Dù mục tiêu này đặt ra rất nhiều thách thức.

Để hình thành và vận hành hiệu quả các trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực và quốc tế cần rất nhiều nỗ lực thực hiện, bao gồm định hướng mô hình phù hợp, xây dựng cơ chế chính sách, khuôn khổ pháp lý, phát triển cơ sở hạ tầng, nền tảng công nghệ và nguồn nhân lực.

Bản thân Thành phố khi phát triển trung tâm tài chính cũng xác định cần có các chính sách chiến lược mang tính đột phá để có thể cạnh tranh, thu hút, mời gọi các nhà đầu tư, các tập đoàn tài chính lớn đầu tư vào Trung tâm tài chính Việt Nam“, bà Thắng nhấn mạnh.

Bài viết cũ hơn