Vỉa hè cho người đi bộ: Vẫn là mơ ước xa vời của người dân Thủ đô và TP. HCM?

Chức năng chính của hè phố là lối đi của người đi bộ! Quy định này được thượng tôn nghiêm ngặt ở các đô thị trên thế giới. Tuy nhiên tại Việt Nam, lối đi bộ trên vỉa hé vẫn còn là “ước mơ” xa vời đối với người dân ở khu vực trung tâm của hai đô thị lớn văn minh là Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Hà Nội: Phường buông lỏng, xe máy và hàng quán làm “bá chủ” vỉa hè!

Vỉa hè Hà Nội được lát đá lại rất phẳng phiu, sạch sẽ, có cả đường cho người khiếm thị, song không phải dành cho người đi bộ mà là chỗ để xe máy. Ảnh của Cao Anh, chụp ngày 31/03/2022 tại phố Đội Cấn, Q. Ba Đình.

Cảnh lối đi bộ trên hè phố bị lấn chiếm diễn ra hàng ngày ở nhiều đường phố Thủ đô, đặc biệt là tại các quận trung tâm như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng… 

Việc sử dụng vỉa hè Hà Nội, ngoài tuân thủ theo Luật Giao thông đường bộ, Nghị định 100/2013/NĐ-CP của chính phủ, hè phố Thủ đô còn được quản lý theo các Quyết định 09/2018/QĐ-UBND và Quyết định 227/2006/QĐ-UB ngày 12/12/2006 của UBND Thành phố Hà Nội. Theo quy định trong các QĐ này, thì “UBND phường, thị trấn trực tiếp quản lý việc sử dụng hè phố, lòng đường đảm bảo trật tự an toàn giao thông, mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường”.

Đồng thời cũng quy định:Việc phân luồng, vạch tuyến, đặt biển chỉ dẫn, đèn tín hiệu phải rõ ràng, theo quy định của Luật Giao thông đường bộ. Hè phố, lòng đường thuộc hệ thống giao thông được quản lý thống nhất trên địa bàn thành phố. Cấm mọi tổ chức, cá nhân tự ý đào bới, xây dựng làm biến dạng hè phố, lòng đường đã được xây dựng; Không được sử dụng vỉa hè, lòng đường để họp chợ, bày hàng quán, để vật liệu, phế thải; Không được đỗ các phương tiện không đúng nơi quy định…”

Mặc dù quy định của Thành phố như vậy, nhưng chính quyền nhiều phường đã “linh hoạt” thực hiện và buông lỏng quản lý, nên thực tế, vỉa hè Hà Nội tại khu vực các quận trung tâm hầu như không có lối cho người đi bộ:

Hè phố các trục Lương Văn Can, Hàng Bồ,… quận Hoàn Kiếm luôn luôn bị chiếm dụng, không có lối đi cho khách bộ hành. Ảnh: Cao Anh 

Hè phố đoạn đường Đê La Thành thuộc phường Thành Công, quận Ba Đình, dường như là không gian riêng của các hộ kinh doanh. Tại đây, vỉa hè quanh năm bị các cửa hàng chiếm dụng bền vững. Tạo sao vậy?

Tại Điều 10 của Quyết định 09/2018/QĐ-UBND có quy định về sử dụng tạm thời một phần hè phố để trông, giữ xe. nhưng phải tuân thủ: “Tại những khu vực để xe không được cắm cọc, chăng dây, rào chắn trên hè phố; các phương tiện phải được sắp xếp ngăn nắp, trật tự, đảm bảo người đi bộ đi lại thuận tiện, thông thoáng, không phải đi vòng tránh các vị trí đỗ xe đạp, xe máy; phần hè phố còn lại (không bao gồm phần hè đang bố trí cây xanh, cột điện, biển báo và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác) dành cho người đi bộ có bề rộng tối thiểu đạt 1,5m;”

Tuy nhiên, quy định một đằng, quản lý thực hiện một nẻo, đã dẫn đến tình trạng vỉa hè bị chiếm dụng ngang nhiên, bất chấp quy định không được phép của thành phố.

Xe máy làm “bá chủ” ở hầu hết các hè phố Thủ đô, đặc biệt là tại 4 quận trung tâm. Ảnh chụp hè phố Tô Hiến Thành quận Hai Bà Trưng (năm 2021), nơi thường xuyên bị chiếm làm chỗ để để xe. 

 Theo quy định, những đoạn hè phố hẹp chỉ dành cho người đi bộ. Song, chính quyền phường Đội Cấn quận Ba Đình vẫn “linh hoạt” kẻ vạch cho để xe. Kết quả là người đi bộ chỉ còn cách đi dưới lòng đường. Ảnh Cao Anh, chụp ngày 31/3/2022.

Thời gian vừa qua, thành phố Hà Nội đã tiến hành lát lại vỉa hè. Nhiều tuyến hè phố đã được lát lại rất phẳng phiu, sạch sẽ; có cả đường dẫn hướng cho người khiếm thị. Tại lối vào ngõ ngách nhỏ, vỉa hè được đánh độ dốc thoải cho người đi xe lăn sử dụng. Đây là một sự cải thiện đáng kể chất lượng hệ thống vỉa hè của thành phố. Tưởng rằng như vậy, người đi bộ sẽ có lối đi an toàn, thuận tiện đúng như quy định của luật pháp. Song thực tế không phải vậy! Hè phố chủ yếu được dùng làm chỗ để xe chứ không phải cho người đi bộ.

Ảnh Cao Anh, chụp tại đường Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm năm 2021

 Đối với những khu vực có vỉa hè rộng, việc phân chia sử dụng vỉa hè cũng đang có sự bất hợp lý. Phần hè phố an toàn, thông suốt (gần với cửa nhà), lẽ ra được ưu tiên cho người đi bộ, thì lại được dùng làm chỗ để xe, bày hàng lấn chiếm của các nhà mặt tiền. Người đi bộ chỉ còn lại phần hè hẹp sát lòng đường, bị cản trở bởi các hộp kỹ thuật và gốc cây, khiến việc đi lại rất khó khăn và không an toàn. Người khuyết tật/ người khiếm thị càng không thể đi lại được trên hè. Những sự bất cập vô lý này vẫn đang tồn tại ở hầu khắp các con phố của 4 quân trung tâm nội đô Hà Nội.

Phần hè thuận tiện cho người đi bộ thì lại được dùng làm chỗ để xe… Ảnh chụp tại phố Triệu Việt Vương, quận Hai Bà Trưng

Vỉa hè Hà Nội không phải dành cho người đi bộ mà là chỗ để xe máy, bày hàng hóa, bán hàng ăn.. Ảnh chụp phố tuệ Tĩnh, quận Hai Bà Trưng (11/2021)

TP. HCM: Vỉa hè dành cho người đi bộ bị ‘xẻ thịt’ làm bãi giữ xe

Lối đi bộ phía trong rào chắn bị ‘hô biến’ thành bãi giữ xe, Ảnh Vietnamnet

Ghi nhận vào chiều 1/4/22022, phần vỉa hè bên trong khung rào chắn bằng sắt xung quanh bệnh viện Chợ Rẫy (Q.5) trên đường Thuận Kiều, Nguyễn Chí Thanh đang bị ‘xẻ thịt’ để kinh doanh trông giữ xe máy.

Trớ trêu thay, trên vỉa hè vẫn còn những tấm bảng chỉ dẫn với nội dung: ‘Lưu ý: Lối đi dành cho người đi bộ’. Tuy nhiên, các lối đi vào đều bị bít kín bởi hàng rào chắn cùng những hàng xe máy xếp dài trên vỉa hè.

Người đi bộ bị đẩy xuống lòng đường để nhường vỉa hè cho bãi giữ xe. Ảnh nguồn Vietnamnet

Cách đây hơn 5 năm (hồi đầu năm 2017), chính quyền quận 5 (TP.HCM) đã tiến hành lắp đặt những dải hàng rào chắn bằng thép này để tạo lối đi bộ. Theo chính quyền, vỉa hè 2 tuyến đường Thuận Kiều, Nguyễn Chí Thanh trước khu vực bệnh viện Chợ Rẫy rất phức tạp, bởi nạn lấn chiếm lòng lề đường để kinh doanh.

Do đó, chính quyền dùng biện pháp trên, nhằm ngăn xe máy chạy lên cũng như giải quyết tình trạng buôn bán hàng rong chiếm dụng vỉa hè gây nhếch nhác và mất an toàn giao thông.

Vỉa hè lắp rào chắn và đặt biển báo dành cho người đi bộ, nhưng chúng tôi không thể đi lại. Từ nhiều tháng nay, phần vỉa hè này đã bị chiếm dụng để kinh doanh bãi giữ xe máy tràn lan, sai với mục đích”- anh Trần Văn Tứ (người dân) bức xúc cho biết.

Việc lối đi bộ trên vỉa hè bị chiếm dụng buộc người dân, bệnh nhân thăm khám tại Bệnh viện Chợ Rẫy phải di chuyển xuống lòng đường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Nguyên nhân chính yếu nhất của việc vỉa hè ngang nghiên vị chiếm dụng sai quy định, đó là sự tiêu cực trong chính bộ máy chính quyền được giao quyền quản lý sử dụng hè phố. Việc thiếu các quy định rõ ràng, minh bạch và lạm dụng trong việc thu phí sử dụng tạm thời một phần hè phố của chính quyền các phường, đang tiếp tay cho các hoạt động để xe, lấn chiếm trái phép hè phố.

Việc chính quyền sở tại ngầm chấp nhận cho các hộ kinh doanh ở mặt tiền nộp một khoản phí thường xuyên, để có thể sử dụng hè phố, chính là nguyên nhân tại sao các đợt ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ không thành công. Nếu vấn nạn này không có chỉ đạo quyết liệt từ trung ương và những quy định xử lý nghiêm minh của chính quyền địa phương, thì việc người dân ở hai đô thị văn minh này có lối đi bộ trên hè vẫn còn là ước mơ xa./.

Chân Phương (trích nguồn Viẹtnamnet)

Bài viết cũ hơn