VUPDA tại Diễn đàn giao lưu kinh tế, văn hóa Việt Nam – Ấn độ

Chiều ngày 03/8/2023, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam – VUPDA tham gia Diễn đàn giao lưu kinh tế, văn hóa Việt Nam – Ấn độ, được tổ chức tại Thủ đô New Deli, Ấn Độ. Diễn đàn được tổ chức với mục tiêu tăng cường quan hệ song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ, đồng thời thúc đẩy hợp tác kinh tế và văn hóa giữa hai quốc gia. Tham gia diễn đàn, đoàn VUPDA gồm có ông Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội; GSTS. Đỗ Hậu – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội và TS. KTS. Trương Văn Quảng – Phó tổng thư ký Hội.
KTS. Trần Ngọc Chính – Chủ tịch VUPDA phát biểu tại Diễn đàn
Kính thưa các quý vị đại biểu, kính thưa các quý vị khách quý.
Việt Nam – Ấn Độ có mối quan hệ lâu đời, bền vững, được bắt nguồn từ truyền thống giao lưu văn hóa hơn 2.000 năm, được lãnh tụ của hai nước là Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ tinh thần của Ấn Độ Mahatma Gandhi và Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru gây dựng và vun đắp. Năm 2022 là năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Ấn Độ (1972 – 2022). Trong nhiều thập niên, dù trải qua những biến động phức tạp của tình hình khu vực và thế giới, nhưng quan hệ Việt Nam – Ấn Độ luôn duy trì tình hữu nghị bền vững và ngày càng phát triển tốt đẹp. Bước vào thế kỷ XXI, trên cơ sở phát huy những thành tựu trong quá khứ, quan hệ Việt Nam – Ấn Độ sẽ hướng tới hợp tác sâu rộng hơn nữa trong tương lai.
KTS. Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam vinh dự nhận Danh hiệu Nhà lãnh đạo tiêu biểu Châu Á – Thái Bình Dương, do Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam và Hội đồng Thương mại và Công nghệ toàn cầu Ấn Độ trao tặng
Hiện nay cả hai nước đều đang đẩy mạnh công cuộc cải cách kinh tế, đổi mới, tăng cường hội nhập khu vực và quốc tế, đã và đang đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao trong thời gian vừa qua, đều đang có nhu cầu mở rộng thị trường, thu hút đầu tư nước ngoài để duy trì tốc độ tăng trưởng cao của nền kinh tế. Đây là cơ hội để hai nước đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ hợp tác nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, thu hút đầu tư, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cải cách, đổi mới, cùng nhau phát triển.
Sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện trong mọi lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội để khẳng định Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
GSTS. Đỗ Hậu – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội, vinh dự nhận Danh hiệu Nhà Khoa học tiêu biểu Châu Á – Thái Bình Dương
Qúa trình đổi mới, CNH – HĐH đất nước luôn gắn liền với quá trình đô thị hóa của Việt Nam. Trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị ở Việt Nam cũng đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Đến cuối năm 2022, Việt Nam đã có 888 đô thị các loại, tỷ lệ đô thị hoá đã tăng từ 30,5% năm 2010 lên 42% vào năm 2022. Đô thị hoá và phát triển đô thị trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng ở mức cao, đóng góp khoảng 75% GDP cả nước. Công tác qui hoạch, xây dựng, quản lý phát triển đô thị, nông thôn ngày càng được quan tâm, hướng đến mục tiêu phát triển đô thị, nông thôn xanh, thông minh, hiện đại, bản sắc và bền vững.
Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam được Chính phủ Việt Nam thành lập, Hội là một tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tập hợp, đoàn kết những người làm công tác qui hoạch và phát triển đô thị, nông thôn trong cả nước. Thực hiện các chức năng tư vấn, phản biện và giám định xã hội trong công tác qui hoạch đô thị, nông thôn. Tham gia với các cơ quan quản lí nhà nước, các tổ chức NCKH, cơ sở đào tạo và các tổ chức xã hội nghề nghiệp khác trong việc NC, xây dựng văn bản pháp luật, công tác NCKH, tư vấn đầu tư, đào tạo thuộc lĩnh vực qui hoạch, phát triển đô thị, nông thôn.
Thay mặt Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS. KTS. Trương Văn Quảng nhận Bằng chứng nhận “Thương hiệu tiêu biểu Châu Á  – Thái Bình Dương”
Thời gian qua, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam đã có những hoạt động rất thiết thực, giúp Bộ Xây dựng phản biện nhiều văn bản pháp qui về công tác quy hoạch như Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, các tiêu chuẩn qui phạm của ngành…Tham gia góp ý kiến các đồ án QHXD mang tầm chiến lược quốc như Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội, vùng thành phố Hồ Chí Minh, Vùng ĐBSCL, các vùng kinh tế trọng điểm, các khu công nghiệp, khu kinh tế hành chính đặc biệt, chiến lược phát triển đô thị, nông thôn, phát triển hệ thống hạ tầng, xây dựng đô thị thông minh, theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững, thích ứng với BĐKH, nước biển dâng…Tham gia các Hội đồng thẩm định, xét duyệt các đồ án QHXD quan trọng, các Hội đồng nâng cấp, xếp loại đô thị của Bộ Xây dựng và đã có những ý kiến đóng góp có giá trị để nâng cao chất lượng công tác quy hoạch đô thị, nông thôn nước nhà. Bên cạnh đó, Hội Quy hoạch còn tham gia thực hiện các đề tài NCKH, tổ chức nhiều hội thảo quốc gia, quốc tế, tham gia lĩnh vực đào tạo tại một số trường đại học, địa phương về qui hoạch, quản lí xây dựng đô thị, nông thôn…
Hôm nay tại thủ đô New Delhi tươi đẹp, giàu bản sắc văn hoá lịch sử của Ấn Độ, đoàn đại biểu của Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam vinh dự được mời tham dự Diễn đàn giao lưu Văn hóa và Kinh tế Việt Nam – Ấn Độ do Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam phối hợp với Hội đồng thương mại và Công nghệ Toàn cầu của Ấn độ (GTTC India) đồng tổ chức.
Trải qua quá trình hình thành và phát triển, New Delhi hiện còn lưu giữ trong mình nhiều di sản kiến trúc, cảnh quan đô thị có giá trị, trong đó phải kể đến Bảo tàng Quốc gia; Cổng Ấn Độ – India Gate (Đài tưởng niệm những người con của Ấn Độ đã hy sinh vì nền Độc lập của Ấn Độ); tháp Chiến Thắng – Qutub Minar; đại lộ Rajpath; Gandhi Smriti; Bảo tàng Tưởng niệm Indira Gandhi; Akshardham Temple; Chùa SriLanka… Công viên Phật Jayanti và Vườn Lodi lịch sử. Ngoài ra, còn có những khu vườn trong Khu nhà của Tổng thống, những khu vườn dọc theo Cổng Rajpath và Ấn Độ, những khu vườn dọc theo Đường Shanti, Vườn hồng, Công viên Nehru và Vườn Đường sắt ở Chanakya Puri…
Tại đây, trong không gian ấm áp này chúng tôi lại liên tưởng đến không gian văn hoá Ấn Độ ngay tại Thủ đô Hà Nội của Việt Nam – Công viên Indira Gandhi – Biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam Ấn Độ. Là những người làm công tác Quy hoạch, phát triển đô thị chúng tôi mong muốn rằng bên cạnh sự hợp tác đa phương giữa hai quốc gia về KT – XH, lĩnh vực quy hoạch, phát triển đô thị cũng sẽ được quan tâm, nhất là trong công tác quy hoạch bảo tồn phát huy giá trị di sản đô thị trong điều kiện hiện nay.
Với đường lối đối ngoại đúng đắn, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại của Việt Nam và chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ, cùng với quyết tâm chính trị của lãnh đạo hai nước, ý chí và nguyện vọng của người dân hai nước, mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Ấn Độ sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, tốt đẹp, sâu sắc, hiệu quả, góp phần xây dựng, củng cố ổn định, hòa bình, phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Xin trân trọng cảm ơn !

Bài viết cũ hơn