Transformation of the ancient village space in the Southeast to adapt to the process of socio-economic development
Tác giải: ThS. KTS. Nguyễn Thành Công/ MSc. Arch. Nguyen Thanh Cong; – Giám đốc trung tâm Kiến trúc quy hoạch nông thôn, Viện Kiến trúc Quốc gia
Abstract: The Southeast is a dynamic economic development area with high growth. There is a well-developed urban system, industrial park and transport system with technical infrastructure, showing that urbanization has developed strongly in both width and depth. However, the Southeast is also considered as one of the regions that still retains a long history of culture, representing a typical cultural lifestyle. Many rural village spaces were formed and developed with a typical spatial structure, architecture and landscape, which is clearly reflected in the factor of high adaptability to the specific environmental and geographical conditions of the natural landscape. The article selects Phu Hoi Village (Dong Nai) as the research area, due to its location that is strongly influenced by the development of the locality and property. The problems that took place in Phu Hoi village have also happened in the ancient villages of the Southeast region. (Keywords: Ancient village, ancient village structure, Southeast village)
Ngôi nhà cổ làng Phú Hội, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai. Ảnh internet
Đông Nam Bộ được coi là một trong những khu vực còn lưu giữ được bề dày văn hóa lịch sử, lối sống tiêu biểu cho một vùng văn hóa đặc sắc. Rất nhiều không gian làng nông thôn được hình thành và phát triển với cấu trúc không gian kiến trúc cảnh quan đặc trưng, thể hiện rõ ở yếu tố thích ứng cao với các điều kiện môi trường địa lý cảnh quan tự nhiên. Bài viết lựa chọn Làng Phú Hội ở Đồng Nai, làm địa bàn nghiên cứu, do có vị trí chịu tác động mạnh trước quá trình phát triển của địa phương và của vùng. Các vấn đề diễn ra ở làng Phú Hội cũng đã và sẽ diễn ra ở các làng cổ vùng Đông Nam bộ
Từ khóa: Làng cổ, cấu trúc làng cổ, làng đông nam bộ
- Đặt vấn đề
Đông Nam bộ (ĐNB) là khu vực phát triển kinh tế năng động với mức tăng trưởng cao. Có hệ thống đô thị, khu công nghiệp và hệ thống giao thông hạ tầng kỹ thuật phát triển mạnh, biểu hiện cho đô thị hóa đã phát triển mạnh cả về chiều rộng và chiều sâu. Tuy nhiên, Đông Nam Bộ cũng được coi là một trong những khu vực còn lưu giữ được bề dày văn hóa lịch sử tiêu biểu. Nhận diện các giá trị và đánh thức các tiềm năng Làng cổ ĐNB là cách để khơi dậy một thế mạnh bị bỏ quên, tránh để một làng cổ tiêu biểu cho giá trị sống làng Việt vùng ĐNB bị mai một, góp phần tích cực cho du lịch, kinh tế, văn hóa cũng như sự phát triển chung của toàn xã hội.
Các giá trị văn hóa truyền thống còn lưu giữ rõ nét tại các ngôi làng, bản truyền thống hình thành lâu đời đến nay vẫn còn tồn tại nằm rải rác tại các vùng miền. Trải qua thời gian, do yêu cầu phát triển & tăng dân số, khu vực dân cư luôn được mở rộng & phát triển (hình thành các làng, bản, xóm, ấp mới hoặc mở rộng phạm vi làng bản cũ.
Tuy nhiên, trong mối quan hệ giữa khu vực phát triển mới với làng cũ hiện hữu, để đạt sự hài hòa & phát triển bền vững, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan làng truyền thống vùng Đông Nam Bộ cần tính đến sự kế thừa các giá trị văn hóa truyền thống: bố cục tổng thể làng truyền thống, kiến trúc truyền thống (nhà ở & các công trình tôn giáo tín ngưỡng), sản xuất nghề truyền thống, văn hóa phi vật thể (phong tục tập quán lối sống, lễ hội, hương ước …) sao cho vừa đáp ứng được yêu cầu phát triển giai đoạn mới vừa bảo tồn & phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tạo hình ảnh sắc thái rõ nét nông thôn các vùng miền.
II. Nghiên cứu chuyển hóa không gian làng cổ Phú Hội
Ảnh hưởng của việc phát triển kinh tế xã hội đến chuyển hoá không gian làng cổ Phú Hội
Nhà cổ Phú Hội |
Đình Phú Mỹ, xã Phú Hội |
Cấu trúc
Làng cổ Phú Hội nằm trên vùng bán sơn địa gò đồi và vùng trũng thấp (vào mùa mưa thường bị ngập từ lũ sông Đồng Môn). Môi trường cư trú của làng bao gồm các yếu tố tự nhiên: sông Đồng Môn, kênh rạch (như rạch ông Hương, rạch Bàu Cá, rạch Cát, rạch Miếu Bà), gò đồi, rừng.
Quá trình công nghiệp hoá gắn với đô thị hoá và hiện đại hoá ở Đồng Nai đã góp phần hình thành trên địa bàn nông thôn những khu công nghiệp, khu chế xuất các trung tâm dịch vụ, các khu đô thị mới… nâng giá trị sử dụng của đất đai, tạo những ngành nghề và việc làm mới, nâng cao giá trị lao động, tạo môi trường ứng dụng rộng rãi khoa học, công nghệ… Ở làng Phú Hội, đô thị hoá kích thích và tạo cơ hội để con người năng động, sáng tạo hơn trong tìm kiếm và lựa chọn các phương thức, hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh. Từ đó làm thay đổi cấu trúc làng, đặc biệt là các không gian sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp truyền thống. Bên cạnh đó, không gian hoạt động dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp và kinh doanh buôn bán cũng tăng lên đảng kể.
Cổng vào Làng Phú Hội
Nhìn từ bình diện văn hoá, làn sóng đô thị hoá cùng với sự phát triển hạ tầng văn hoá xã hội, mở rộng mạng lưới thông tin đại chúng, tăng cường quan hệ làm ăn, buôn bán giữa các vùng miền… đã làm cho diện mạo nông thôn và đời sống tinh thần của cư dân nông thôn ở Phú Hội ngày càng phong phú, đa dạng hơn. Ở Phú Hội đã xuất hiện những yếu tố văn hoá đô thị mới, hiện đại, sự truyền bá các sản phẩm văn hoá, các loại hình văn học, nghệ thuật có giá trị; sự du nhập lối sống, phong cách giao tiếp, ứng xử văn minh, tiến bộ… làm cho văn hoá làng quê có những sắc thái mới. Mức sống văn hoá, trình độ hưởng thụ và tham gia sáng tạo văn hoá của nông dân các vùng đô thị hoá, nhìn trên tổng thể đã được nâng lên.
Các hoạt động văn hoá mới được tích hợp, thay thế cho các hoạt động văn hoá cũ, bên cạnh các không gian văn hoá cũ như chợ, đình làng,… các không gian văn hoá mới được bổ sung nhằm phục vụ các hoạt động vui chơi, giải trí hay các hoạt động hội nhóm như nhà văn hoá, sân thể thao, chợ đầu mối,… Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất văn hóa, các điểm sinh hoạt trong xây dựng nông thôn mới đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, người dân Phú Hội, dễ dàng tiếp cận với các nền văn hóa mới, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao ngay tại địa phương, góp phần giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Các công trình hạ tầng xã hội mới cũng được chú trọng xây dựng, đặc biệt là sau khi có chính sách Nông thôn mới. Trụ sở uỷ ban, trường mầm non, tiểu học, trạm y tế… được đặt trên trục đường chính và có quy mô phù hợp với quy mô dân cư hiện tại của làng Phú Hội.
Về hình thức cư trú, dân cư làng cổ ĐNB Phú Hội sống tập trung theo sự liên kết nhà cửa, bao gồm:
Nhà hai bên các trục đường giao thông: đặc điểm của hình thức này là nhà cửa được cất trải dài theo tuyến giao thông đường bộ, cụ thể là tỉnh lộ 25B, đường Cây Dầu và các đường liên xã. Tuy nhiên, nhà dạng này ở Phú Hội không cất liền kề nhau (nhà mặt phố) giống như một vài con đường ở xã Hiệp Phước và xã Phước Thiền. Nhà ở đây, tuy có một số căn xây cất hiện đại, bề thế, sang trọng nhưng nhà này cách nhà kia khá xa bởi khoảng vườn cây trái sum suê nên nhìn chung vẫn giữ được đặc trưng của một xã thuần nông Nam bộ.
Hệ thống giao thông liên ấp xưa kia của Phú Hội chủ yếu là các con đường làng đất, cát sỏi từ năm 1998 đến nay, hệ thống đường giao thông trong xã và liên xã đã được trải nhựa, bê tông hoá, láng xi măng … theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm”. Theo đó, cảnh quan cư trú của người dân Phú Hội ngày nay gồm: đường, mương nước, nhà, ruộng, vườn.
Tập hợp theo từng cụm: hình thức cư trú tập trung phân bố chủ yếu theo tộc họ hoặc cùng đạo Công Giáo (Ở ấp Đất Mới có một xóm toàn người theo đạo Công giáo sống tập trung quanh nhà thờ Mỹ Hội). Các nhóm dân cư tập hợp thành từng cụm với quy mô một ấp, một xóm… đặc trưng cư trú của các cụm dân cư này là nhà cửa gắn liền với đất đai canh tác. Mỗi căn nhà được xây dựng trong một khu đất thổ cư, xung quanh có đường mương dẫn nước và thoát nước. Nhà này cách nhà kia một con đường nhỏ, một bờ rào râm bụt hay chỉ là một đường mương thoát nước… Với dạng cư trú này, hệ thống nông địa gồm: cụm cư trú + vườn + ruộng và khuynh hướng phát triển là căn nhà được cất trên khu đất cao của đất thổ cư. Nhưng nơi thấp thì làm nền nhà có nền cao hơn để tránh mưa lũ. Mấy năm gần đây, khi tỉnh Đồng Nai có Quyết định phê duyệt huyện Nhơn Trạch sẽ nâng cấp thành thành phố Nhơn Trạch với nhiều khu công nghiệp phát triển thì giá đất ở Phú Hội cũng như xã khác của huyện bỗng nhiên tăng vọt. Nhiều người nông dân trước kia chỉ quanh năm suốt tháng chỉ lam lũ với mảnh ruộng, miếng vườn vẫn không đủ ăn, nhà cửa sập xệ. Nay đất có giá ban đi xây được nhà to, cao tầng… Một xã thuần nông xưa kia, nay đã có những bước phát triển, chuyển dần lên đô thị bằng hai khu công nghiệp I và II đã đi vào hoạt động. Nhiều thanh niên ở địa phương không còn làm nông nghiệp như trước mà xin vào làm công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp đứng chân trên địa bàn huyện. Sự phát triển này là yếu tố tất nhiên trong thời đại kinh tế hội nhập hiện nay. Tuy nhiên sự phát triển này cũng không ảnh hưởng nhiều đến cảnh quan làng quê yên ả.
Vùng cư trú tập trung: cuộc sống dân cư Nam bộ gắn liền với sông nước. Phú Hội là vùng đất có một đoạn sông Đồng Môn chảy qua và nhiều rạch vừa làm chức năng giao thông, vừa cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất, do vậy, đây là yếu tố để người dân chọn nơi lập nghiệp, sinh sống. Từ xa xưa, ông bà ta đã đánh giá: đất tốt là vùng đất phải có nguồn nước đầy đủ. Chính vì vậy, vùng đất ven sông Đồng Môn và các con rạch được người khai hoang chọn và trở thành khu vực cư trú. Tuy nhiên, những người tiền hiền khai khẩn không chỉ chiếm ngụ vùng đất ven sông mà còn chọn vùng đất ở những gò đồi cao, thuận tiện giao thông vừa hưởng lợi từ vùng trũng (trồng lúa, hoa màu) vừa hưởng sự ưu đãi của sông và làm vườn trồng cây ăn trái. Trước năm 1954, xã Phú Hội có ấp Long Hoà khoảng 50 hộ cùng dòng họ sinh sống ở khu vực ven sông Đồng Môn trên đất của xã Long Tân chuyên làm nghề trồng lúa nước. Do tiếp giáp với xã Long Phước (bờ kia sông Đồng Môn thuộc Sài Gòn) là căn cứ cách mạng thường bị bom Mỹ oanh tạc nên bị ảnh hưởng, nhiều lần bị bom rơi qua, nhân dân phải bỏ nhà, ruộng sơ tán về khu đất vườn ở Xóm ố và Đất Mới cất nhà sinh sống. Ruộng từ đó bỏ hoang không cày cấy nữa, mãi sau ngày giải phóng miền Nam nhân dân mới tiến hành cày cấy, canh tác lại.
Vùng cư trú sông nước: Phú Hội có một đoạn sông Đồng Môn chảy qua và một số rạch với chức năng vừa là đường thuỷ vừa cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất và nuôi trồng thuỷ sản. Trước kia, đường thuỷ là giao thông chủ yếu trong việc vận chuyển mua bán, trao đổi hàng hoá giữa miền xuôi với mạn ngược, giữa miền Đông Nam Bộ với Tây Nam Bộ. Do vậy, nơi đây sớm hình thành một vùng dân cư miệt vườn sông nước “trên bến dưới thuyền”, trao đổi buôn bán hàng nông lâm sản. Phú Hội hiện nay vẫn còn địa danh bến đò ông Tư Chón (ấp Phú Mỹ II), hai bến ghe ở ấp Phú Mỹ I và một bến ghe ở Nổng Giang Lò (ấp Xóm Hố). Tuy nhiên, từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đa số người dân ở Phú Hội không còn sốn cạnh sông rạch mà chuyển về ở khu đất vườn cao ráo, thuận tiện điện nước và các tiện nghi sinh hoạt. Các bến đò, bến ghe hiện nay cũng không còn hoạt động nhộn nhịp như xưa nữa, bởi giao thông đường bộ thuận lợi và phát triển. Tuy nhiên, ở một vài bến đò, ghe vẫn còn nhiều ghe thuyền neo đậu chuyên chở hàng nông thuỷ sản, trái cây, cây giống buôn bán, trao đổi với các tỉnh miền Tây, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Bến ghe còn là nơi các hộ ngư dân ở xã Long Tân chuyên nghề đánh bắt cập bến bỏ muối và buôn bán cá, tôm, cua, ốc …. đánh bắt được trong ngày.
Cảnh quan cư trú hiện nay: Cảnh quan của Phú Hội ngày nay là vùng nông thôn với tổng thể sông, rạch, + đất ruộng + đất triền + đất thổ cư (nhà, đất vườn) + đất điền. Cây cối ở đây chủ yếu là vườn cây ăn trái như: chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, dâu da, mít tố nữ, thơm… và rừng tràm (rừng trồng phòng hộ). Đường giao thông chính ở Phú Hội hiện nay đã được cải tạo, nâng cấp trải nhựa, láng bê tông sạch sẽ, đi lại thuận tiện. Cảnh quan cư trú của Phú Hội thay đổi theo hướng quy hoạch khu dân cư đô thị và các khu công nghiệp. Do Phú Hội được thiên nhiên ưu đãi có mạch nước ngầm tự nhiên phun trào nên các hộ gia đình đều đào mương quanh đất nhà tận hưởng nguồn ngước này để sinh hoạt, sản xuất và tưới tiêu đã tạo nên đặc trưng của cảnh quan nơi đây.
Tổ chức làng Phú Hội mang những đặc điểm sau (i) các yếu tố không gian thành phần như: không gian sản xuất nông nghiệp, không gian cư trú phân bố tách biệt; (ii) Khu vực trung tâm làng là nơi tập trung quyền lực, cũng như là nơi tổ chức các hoạt động cộng đồng; (iii) không có cổng làng và luỹ tre làng để duy trì trật tự và phòng vệ cho làng; (iv) Cấu trúc giao thông mở, dễ dàng tiếp cận (v) hệ thống thuỷ văn phong phú, đa dạng, phục vụ cho sinh hoạt và canh tác nông nghiệp (quy mô lớn và nhỏ) (vi) Hoạt động giao thương (chợ) diễn ra ở nơi có thể giao lưu với người dân ở vùng khác (vii) Cấu trúc đơn vị ở đa dạng.
Không gian công cộng:
Các nghi tiết truyền thống của lễ hội gắn với ngôi đình, miếu vẫn được người dân duy trì theo cổ lệ (từ nghi tiết thỉnh sắc thần, thỉnh sanh, túc yết, đàn cả, hồi sắc…). Bên cạnh đó, xuất hiện các hoạt động văn hóa mới được tích hợp, thay thế cho các hoạt động văn hóa cũ tại các công trình truyền thống..
Chùa Thọ Quang
Các không gian công cộng mới, như: nhà trẻ, chợ, Ủy ban nhân dân xã,… được bổ sung cả trong khu vực làng cũ lần khu vực mở rộng sau này.
Nhà trẻ làng Phú Hội |
Chợ Phú Hội |
Không gian kinh tế – sản xuất:
Không gian canh tác nông nghiệp ở làng Phú Hội bị thu hẹp nhưng những không gian đặc sắc như khu vực đất trồng cây công nghiệp, khu vực đất vườn kết hợp với ở vẫn còn khá nguyên vẹn.
Cảnh quan sinh kế nông nghiệp ở làng Phú Hội có hai hình thái riêng biệt là canh tác vườn cây ăn trái ở vùng đất cao và trồng lúa nước tại các khu vực đất thấp, trong đó, sản vật nổi tiếng ở địa phương bao gồn: trà Phú Hội pha băng nước Mạch Bà, nấu rượu, làm cau khô, làm mộc, bánh tráng.
Nhà ở
Nhà ở truyền thống ở làng Phú Hội là dạng nhà vườn…
Loại hình nhà ở truyền thống ở làng Phú Hội là dạng nhà vườn, miệt vườn đặc trưng của vùng dân cư sông nước “trên bến dưới thuyền”. Nhà ở truyền thống của người dân Phú Hội thường được tạo dựng với đặc điểm chính là nhà ba gian hai chái. Các hạng mục nhà được bố trí theo kiểu mặt bằng sắp đọi hay chữ đinh thành một dãy chạy từ nhà trên xuống nhà dưới, tạo nên vẻ tương đổi đồng nhất cho ngôi nhà. Với cách sắp xếp này đã làm hạn chế sự cách biệt giữa nhà trên và nhà dưới.
Nhà ở truyền thống vùng đất Phú Hội thường chuộng hướng Đông, Nam, Đông Nam. Nóc nhà một hạng mục được chia thành 4 mái lớp tranh hoặc ngói âm dương. Vách nhà được đóng bằng các loại gỗ. Nền đất hoặc lát gạch tàu. Hệ thống cột, khung vì, kèo được làm từ các loại gỗ như bằng lăng, căm xe, tạo nên sự chắc chắn và bền vững cho ngôi nhà.
Về bố trí và sắp xếp không gian của người dân vùng đất này thì theo bố cục truyền thống của nhà ở Nam Bộ: nhà trên thường là nơi thờ tự gia tiên, tiếp khách và cũng là nơi sinh hoạt của các thành viên nam. Nhà dưới thường là nơi sinh hoạt của các thành viên nữ. Như vậy, qua cách bố trí này, ta thấy được đặc điểm sinh hoạt của gia đinh có sự phân biệt nam nữ của tư tưởng Nho giáo đã đi sâu trong tiềm thức người Việt Nam xưa. Song các hạng mục của công trình nhà ở truyền thống đều bố trí hài hoà trong khuôn viên vườn cây ăn trái xanh tươi trù phú của vùng quê nhỏ như dâu gia, sầu riêng, bưởi, chuối… Bao quanh khu vườn là những hàng rào với các loại cây quýt dai, chè the, dâm bụt… đã tô thêm nét đẹp ngôi nhà ở truyền thồng của một vùng quê Đông Nam Bộ.
* Nhà cổ
Theo thống kê, làng Phú Hội có 16 ngôi nhà có niên đại ~ 100 năm, trong đó có 5 ngôi nhà thuộc danh sách 25 ngôi nhà cổ tiêu biểu của tỉnh Đồng Nai, nổi tiếng nhất là từ đường họ Đào (nhà cổ Hội đồng Liêu) mang phong cách nhà rường miền Trung, Nhà cổ của ông Nguyễn Văn Canh (ấp Phú Mỹ 2, xã Phú Hội); nhà cổ của Bà Trần Thị Đấu (xã Phú Hội); nhà cổ ông Nguyễn Quang Kính (xã Phú Hội)
Đặc điểm cơ bản kiến trúc của nhà cổ ở Phú Hội là: bộ khung sườn chủ yếu là kiểu vì kèo rường (đâm trính, xuyên trinh) hay nọc ngựa; bố cục các ngôi nhà trong chỉnh thể kiến trúc nhà ở gồm các dạng nhà chữ đinh, sắp đọi.
Nhìn chung, nhà cổ ở Phú Hội tuy có mật độ cao nhưng quy mô trong ngôi nhà to không nhiều như các ngôi nhà cổ ở một số tỉnh miền Tây Nam bộ như Long An, Tiền Giang… Nói cách khác, nhà cổ ở đây có quy mô trung bình, thậm chí có cái thuộc loại nhỏ (trừ nhà cổ Hội đồng Liêu).
Một đặc điểm phổ biến là các ngôi nhà cổ ở đây vách đều được đóng bằng ván. Một số ngôi nhà xây dựng muộn hơn có vách và cột bằng gạch, nhưng bộ khung vẫn bảo lưu được bộ cột kèo truyền thống.
Từ đường họ Đào ở xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch. Ảnh: K Liễu
Ở mỗi mảng trang trí này là một thể kết hợp trong các dải nằm ngang gồm các khuôn bong vuông và hình chữ nhật; ở đó có thể là các bức chấn song đơn giản hoặc các trụ đừng dạng con lơn bằng gỗ tiện, các bức chạm thủng hình kỷ hà hoặc hoa văn tự dạng, hoa lá, chim bướm, các bức chạm lộng các đề tài truyền thống quen thuộc như long lân quy phụng, lựu phật thủ, hoa phù dung, hoa mẫu đơn, sen cá, mai điểu, tùng lộc…
Chi tiết trang trí với nhiều giá trị đặc trưng trên kết cấu gỗ truyền thống nhà cổ
Bên dưới mảng trang trí này (giới hạn với xà ngang và hai cột) là một bao lam áp sát vào cột hoặc gắn vào một khuôn có gờ chỉ nổi hay mảng phù điêu nhỏ chạm trổ công phu. Trong các ngôi nhà cổ ở Phú Hội, việc trang trí nội thất ở gian chính được tập trung hàng đầu là mảng dài suốt cả ba gian nối liền dãy các đầu cột hang nhất. Mảng này cấu tạo bởi bốn cây cột chính nên luôn được chia thành ba mảng nhỏ: mảng chính ở gian giữa và hai mảng phụ ở hai căn bên; luôn được thiết kế đối xứng nhau.
Trong phần lớn các trường hợp, nơi thờ tự tổ tiên thường là các tủ thờ đặt giữa bao gian nhà chính và các gia thần được thờ ở các khảm thờ đặt trên trang cao sat mái, sâu vào phía sau. Các tủ thờ đặc biệt là khám thờ là những thành tố có quan hệ hữu cơ với yêu cầu thờ tự cũng như trang trí nội thất. Do đó, những vât này được trạm trổ công phu ở mặt trước. Các thành tố kiến trúc khác, trong một số trường hợp cũng được chạm khắc tỉ mỉ và chính điều này đã làm tăng giá trị kiến trúc nghệ thuật cho ngôi nhà cổ.
III. Kết luận
Các làng quê Việt Nam nói chung và ĐNB nói riêng vốn là một thực thể sống động, hình thành đã rất lâu đời, cảnh quan kiến trúc mang đậm dấu ấn của nhiều kiếp người, đã in sâu trong tâm khảm của mỗi người Việt Nam. Chịu tác động của nhiều yếu tố như trên đã phân tích, hiện nay làng truyền thống vùng Đông Nam Bộ đã bị biến đổi ở các mức độ khác về giá trị kiến trúc cảnh quan.
Quá trình chuyển đổi chính sách, kinh tế – xã hội nào cũng nổi lên vấn đề chuyển hoá các giá trị vật thể, phi vật thể tạo nên những chuyển hoá không gian được tiến hành một cách có ý thức, có chiến lược mang tầm quốc gia. Trong tiến trình phát triển, mặc dù chính quyền qua từng thời kỳ chưa thật sự chú ý đến không gian làng cổ, nhưng chuyển hoá không gian vẫn là vấn đề không thể không đặt ra đối với quá trình phát triển kinh tế – xã hội.
Điều có tính tất yếu trong quá trình hiện đại hóa hiện nay là sẽ có nhiều giá trị trong không gian làng cổ bị mất đi, bị thay đổi hoặc không còn phù hợp với những chuyển biến, thường là khá nhanh, dưới tác động của đô thị hóa, công nghiệp hóa và toàn cầu hóa; trong khi đó, nhiều giá trị không gian mới, chuẩn mực mới lại chưa hình thành rõ nét hoặc đang trong thời kỳ định hình dễ dẫn đến những xáo trộn về lối sống, chất lượng không gian làng.
Những điều nêu trên cho thấy quá trình thích ứng của không gian làng cổ đối với quá trình chuyển đổi kinh tế xã hội không chỉ đặt ra mối tương quan về hình thái không gian mới – cũ mà còn nổi bật những vấn đề chính yếu và có tính tất yếu: sự chuyển hoá không gian làng cổ thích ứng với quá trình phát triển kinh tế – xã hội./.