Một số vấn đề trong việc lập quy chế quản lý kiến trúc đô thị, điểm dân cư nông thôn tại Hà Nội

Tác giả: ThS. KTS. Lã Hồng Sơn/  MSc. Arch. La Hong Son – Email: lahongson@gmail.com 

Some issues in the establishment of regulations on management of urban architecture and rural residential areas in Hanoi

Abstract: This article mentions some aspects in the formulation of Regulations on management of urban architecture and rural residential quarters in provinces and centrally run cities in Vietnam. With the specific case of Hanoi, the article approaches from the issues and trends of practical spatial change in urban areas and rural residential areas in Hanoi (after more than 35 years of implementing Doi Moi). At the same time, note a number of advantages and disadvantages and the contents that need to be focused to promote the effectiveness and feasibility of the Architectural Management Regulations.

Management is a process, it is necessary to distinguish between Architectural Management and Planning Management from its management requirements and objectives at each level, type and stage of development. When formulating architectural management regulations, it is necessary to focus on inheriting and continuing management regulations and regulations (according to urban planning projects, urban designs, rural planning approved by competent authorities). Browser). At the same time, the Architectural Management Regulation should only be built and promulgated at the level of a set of “Tool Frameworks” for management and control. It is an urgent “Architectural Practical Guide” in big cities, key areas, areas that are being strongly impacted in the process of urbanization, especially the inner-city border areas. suburban areas, urbanized villages and communes, suburban villages in the area about to be transformed from district to district.

– In order to clearly identify the national cultural identity in each locality, the consulting units need to promote their roles and responsibilities in identifying the specific characteristics and identities of each locality in practice. , to orient and control the development of advanced architecture, imbued with identity. In order to be able to solve practical problems, ensure feasibility and efficiency when applied, the Architecture Management Regulations need the participation of experts, scientists in specialized fields and critical opinions. from the community.

– Changing the previous view, model and management method of urban and rural development, which is a “hard” management model… to suit reality as well as the future.

 Key words: management method of urban

Đặt vấn đề:

Lập Quy chế quản lý kiến trúc cho các đô thị, điểm dân cư nông thôn tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (bao gồm 28 tỉnh và 05 thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP) là nhiệm vụ cấp bách để thực hiện Luật Kiến trúc (2019) và Nghị định 85/2020/NĐ-CP (2020). Đến nay, một số địa phương đã phê duyệt Quy chế quản lý kiến trúc đô thị (ví dụ: Hồ Chí Minh, Ninh Bình), đã phân cấp lập, thẩm định, phê duyệt Quy chế quản lý kiến trúc (ví dụ: Quảng Ninh, Phú Thọ, Bình Thuận, An Giang, Tiền Giang, Phú Yên,…), hoặc đang tiến hành rà soát, đánh giá việc thực hiện Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đã được phê duyệt trước đây để điều chỉnh, chuyển đổi, lập mới Quy chế quản lý kiến trúc (ví dụ: Hà Nội). Như vậy, còn rất nhiều địa phương đang triển khai các nhiệm vụ này.

  1. Một số khái niệm chung

– Kiến trúc, là kết quả sản phẩm của con người và là bộ phận cấu thành của cảnh quan, có vai trò gắn kết “Cảnh quan môi trường thiên nhiên”“Cảnh quan môi trường nhân tạo”. Kiến trúc vừa mang tính khoa học tự nhiên, vừa mang tính khoa học xã hội, do vậy trong hệ thống phân loại lưỡng cực thường gây ra nhiều tranh cãi.

– Quy chế quản lý, là văn bản có chứa quy phạm pháp luật hoặc quy phạm xã hội do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành theo một trình tự, thủ tục nhất định, có hiệu lực đối với các tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chế.

– Quy định, là văn bản quy phạm do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành, định hướng ra các công việc phải làm, không được làm, thực hiện đúng theo quy định của quy phạm pháp luật. Quy định sẽ có nội dung cụ thể về chuyên môn, nghiệp vụ và có hiệu lực đối với các tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi điều chỉnh.

– 03 yêu cầu cơ bản cần đảm bảo đối với Quy chế, Quy định: (1) Tính hợp pháp, quy chế ban hành phải phù hợp với các quy định của pháp luật, không trái với những quy định mà pháp luật nghiêm cấm; (2) Tính thực tiễn, quy chế ban hành phải phù hợp với yêu cầu quản lý (do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành) theo thực tiễn của từng giai đoạn; (3) Tính hiệu quả và khả thi, quy chế ban hành phải góp phần tích cực cho công tác quản lý, điều hành toàn bộ các hoạt động của tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chế, tạo ra hành lang pháp lý khi quy chế được áp dụng thì mọi người phải tôn trọng và thực thi.

  1. Nhận diện sự khác biệt để kế thừa các Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị; Quy định quản lý theo đồ án quy hoạch đô thị, thiết kế đô thị đã được phê duyệt

Trước khi thực hiện Luật Kiến trúc, các thành phố trực thuộc trung ương ở Việt Nam cơ bản đã lập, thẩm định, phê duyệt các Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị chung theo Luật Quy hoạch đô thị (2009) và Nghị định số 38/2010/NĐ-CP (2010), theo đó: Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị là sản phẩm, công cụ để quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, do chính quyền đô thị quy định, phân công nhiệm vụ cụ thể căn cứ vào quy hoạch, thiết kế đô thị được cấp có thẩm quyền duyệt.

“Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị” và “Quy định quản lý theo đồ án quy hoạch đô thị, thiết kế đô thị” là 02 sản phẩm, công cụ chủ yếu phục vụ công tác quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị (gồm: thiết kế đô thị, quy chế quản lý) và quản lý theo quy hoạch đô thị được duyệt (gồm: quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết). Bộ công cụ này được thiết lập sau quy hoạch, căn cứ vào quy hoạch, thiết kế đô thị được duyệt. Quy chế quản lý kiến trúc (theo Luật Kiến trúc) chỉ căn cứ vào đặc điểm, tính chất tiêu biểu về văn hóa dân tộc của địa phương và không nhất thiết phải căn cứ vào quy hoạch đô thị được duyệt, có thể coi đây vừa là khó khăn thách thức, vừa là cơ hội đổi mới, sáng tạo.

Nhận diện khác biệt này để vừa kế thừa được các Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị; Quy định quản lý theo đồ án quy hoạch đô thị, thiết kế đô thị đã được phê duyệt (theo Luật Quy hoạch đô thị), vừa đổi mới, sáng tạo để giải quyết được các thách thức mới:

– Thứ nhất, là cần phân biệt được giữa Quản lý kiến trúc với Quản lý các lĩnh vực quản lý khác (Ví dụ: quản lý quy hoạch, quản lý dự án đầu tư,…) từ các yêu cầu và mục tiêu quản lý của nó. Quản lý là một quá trình tiếp biến, khi tham khảo các mô hình quản lý từ nước ngoài, cần tránh dập khuôn, máy móc, ban hành không đảm bảo tính thực tiễn, hiệu quả và khả thi của Quy chế quản lý kiến trúc đô thị, điểm dân cư nông thôn theo đặc điểm Việt Nam và mỗi tỉnh, thành trong vùng.

– Thứ hai, là phải làm rõ các đặc điểm, tính chất riêng về bản sắc văn hóa dân tộc theo Khoản 2 Điều 5 Luật Kiến trúc (2019). Tuy nhiên, khó khăn thách thức đối với UBND cấp tỉnh là làm thế nào để có thể đánh giá chính xác, đặt ra các quy định hoặc quy phạm xã hội riêng, có đặc điểm và tính chất tiêu biểu (mang tính địa phương) thống nhất với đặc điểm, tính chất phổ quát của quy phạm pháp luật (mang tính quốc gia)?.

Hình 1. Khảo sát hiện trạng đặc điểm không gian vùng đô thị – nông thôn theo vị trí đặc trưng và giai đoạn đô thị hóa; Xây dựng “Khung phân loại”, “Khung cơ sở dữ liệu” tại địa phương (Nguồn: Ths. Kts. Lã Hồng Sơn – 2003)

Đánh giá bằng cách nào? Phải bắt đầu từ vai trò, trách nhiệm của các Đơn vị tư vấn cần nghiên cứu, khảo sát hiện trạng đặc điểm không gian vùng đô thị – nông thôn theo vị trí đặc trưng và giai đoạn đô thị hóa (bao gồm cả việc nghiên cứu cụ thể hóa các Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch của Thành ủy, HĐND, UBND cấp tỉnh) để tìm tòi, sáng tạo, xây dựng và thiết kế các “Khung phân loại”, các “Bộ tiêu chí đánh giá” và “Khung cơ sở dữ liệu”,…để giúp làm nổi bật bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế của mỗi địa phương và phù hợp với các cấp độ, loại hình quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn. Từ đó, phối hợp với các cơ quan, đơn vị quản lý, chính quyền địa phương để xây dựng và ban hành các “Hướng dẫn ban đầu và thực tế về kiến trúc” tại mỗi địa phương (gồm thuyết minh và bản vẽ), giúp cho công việc thực hành kiến trúc tại địa phương đó trong một khoảng thời gian nhất định.

Hình 2. Minh họa về các “Hướng dẫn ban đầu và thực tế về kiến trúc tại địa phương” cho thực hành Kiến trúc (Nguồn: Ths. Kts. Lã Hồng Sơn – 2003)

– Thứ ba, là tính đa dạng về hình thái, tính linh hoạt đa trung tâm, tính phi tầng bậc mang đậm dấu ấn của văn hóa và bối cảnh kinh tế xã hội đặc thù Châu Á. Sau hơn 35 năm thực hiện Đổi mới, đánh giá chung tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ở Việt Nam là xu hướng hỗn độn và dung nạp trong các cộng đồng về kiến trúc.

Với trường hợp cụ thể của Hà Nội, khu vực hỗn độn và dung nạp xã hội lớn nhất chính là các làng xã đô thị hoá, làng ven đô. Với cấu trúc chặt chẽ và một truyền thống văn hóa lâu đời của lối sống cộng đồng, đã không làng xã nào mà kiến trúc bị xóa bỏ trong quá trình đô thị hoá mà nó chỉ biến đổi theo hướng mật độ cao hơn, dung nạp nhiều hơn. Điều quan trọng hơn về khả năng dung nạp, là kiến trúc hỗn độn chứa đựng cuộc sống hỗn độn, đa dạng các thành phần: dân làng cũ, dân mới nhập cư (khu tập thể, khu chia lô), kỹ sư, cán bộ, công chức, viên chức, dân lao động thời vụ, sinh viên trọ, bán hàng rong… Điều đáng mừng là không có những xung đột xã hội nào đáng kể dù có đa dạng các thành phần như vậy trong cùng một khu vực ([1]). Tại khu vực các huyện Hà Nội: các chức năng ở, sản xuất nông lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề… cũng theo xu hướng gia tăng và dung nạp đa dạng cả cư dân hiện có và cư dân mới từ địa phương khác đến.

Hình 3. Minh họa về xu hướng trong quá trình chuyển đổi cấu trúc không gian nhà mái dốc truyền thống bị thay thế bởi hình thái kiến trúc nhà nhiều tầng tại Hà Nội (Nguồn: Phạm Anh Tuấn 2021)

Xu hướng hỗn độn và dung nạp này, không chỉ trong kiến trúc mà cả trong quy hoạch đô thị và nông thôn, biến đổi cả hình thái và cấu trúc mô hình quy hoạch theo lý thuyết tiểu khu/đơn vị ở và biến đổi cả kiến trúc công trình (công năng và hình thức) theo thiết kế ban đầu. Từ giai đoạn phân định rõ ràng tách bạch các chức năng, đối tượng sử dụng – đến giai đoạn nhu cầu và đối tượng sử dụng từ thị trường trở nên rất đa dạng và luôn vận động – đã dẫn đến những biến đổi về Kiến trúc theo xu hướng hỗn độn và dung nạp các thành phần xã hội trong các cộng đồng.

Kiến trúc theo xu hướng hỗn độn và dung nạp đa dạng các thành phần xã hội trong cộng đồng làng xã đô thị hoá, làng ven đô cũ (như Định Công, Giáp Bát, Trung Tự, Kim Liên, Làng Cót,…) có vị trí nằm tiếp giáp các khu tập thể, khu chung cư và các khu đô thị mới (như Định Công, Trương Định, Kim Liên, Giảng Võ, Trung Hòa – Nhân Chính,…) với khả năng thẩm thấu dung nạp, đa dạng về hình thái và chức năng, tính linh hoạt đa trung tâm, tính vận động phi tầng bậc,…lại chính là những yếu tố quan trọng để góp phần tạo nên sự cân bằng trong quá trình phát triển đô thị chứ không chỉ là những khu tập thể, khu chung cư và các khu đô thị mới hình thành trong nửa thế kỷ gần đây.

Hình 4. Minh họa về hình thái tổng thể phản ánh xu hướng hỗn độn và dung nạp đa dạng các thành phần xã hội trong các cộng đồng về kiến trúc (Nguồn: Phạm Hùng Cường 2016)

Tại khu vực các điểm dân cư nông thôn trong quá trình đô thị hóa: Xu hướng biến đổi kiến trúc truyền thống được đặt trong mối quan hệ giữa không gian cư trú của cộng đồng dân cư với điều kiện tự nhiên, hệ sinh thái bền vững dần bị thay thế bởi quá trình bê tông hoá, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và phương tiện hiện đại hơn. Xu hướng này là một thách thức đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống đặc trưng mang tính bản địa. Điều này đã, đang và sẽ diễn ra trong một khoảng thời gian còn chưa xác định được.

Quy chế quản lý kiến trúc, vì thế sẽ không thể giải quyết được thực tiễn nếu đưa ra các lớp lang chỉ để thể hiện “Mong muốn của nhà quản lý” và biến các lý thuyết trừu tượng về bản sắc văn hóa trong kiến trúc trở thành “Quy định cứng”. Bởi thực tiễn đã chứng minh đặc điểm dễ dàng thay thế, đan xen, biến đổi (sau một khoảng thời gian) đã và đang trở thành xu hướng của kiến trúc. Vật liệu nội thất, ngoại thất cũng làm ảnh hưởng, dẫn đến xu hướng hỗn độn, không dễ dàng thay đổi một khu vực quy mô cấp đơn vị ở hoặc khu ở.

Điều này đặt ra một cách nhìn mới về mô hình và phương thức quản lý phát triển: Không có một chức năng nào thuần tuý tuyệt đối mà chỉ có thể là một khu vực có kiến trúc hỗn hợp, được biến thiên cho phép trong một khoảng nào đó, có một chức năng chủ đạo và các chức năng phụ trợ. Cũng như mật độ, quy mô dân cư – công năng, hình thức kiến trúc và vật liệu sử dụng… đều có đặc tính biến đổi, dao động sau một khoảng thời gian. Điều này cần được thể hiện rõ trong quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy chế quản lý kiến trúc và thiết kế công trình, để những nhận định của xã hội về điều chỉnh quy hoạch, thiết kế, quy chế quản lý kiến trúc mang tính vận động đúng với quy luật, đặc tính của nó.

Trên phương diện quản lý kiến trúc, quy chế quản lý kiến trúc không những góp phần thiết lập trật tự về kiến trúc mà còn phải chứng minh khả năng kiểm soát sự trật tự về kiến trúc ở mỗi gian đoạn phát triển. Không thể hy vọng có một chính quyền, một cơ quan chuyên môn nào có thể xếp đặt mọi thứ theo đúng các quy chế quản lý, nếu nó hàm chứa các quy định không mang tính thực tiễn.

  1. Kết luận

– Quản lý là một quá trình, cần phân biệt giữa Quản lý kiến trúc với Quản lý quy hoạch xuất phát từ các yêu cầu và mục tiêu quản lý của nó theo từng cấp độ, loại hình và giai đoạn phát triển. Khi lập các Quy chế quản lý kiến trúc cần chú trọng việc kế thừa, tiếp nối các Quy chế, Quy định quản lý (theo đồ án quy hoạch đô thị, thiết kế đô thị, quy hoạch nông thôn đã được cấp thẩm quyền phê duyệt). Đồng thời, Quy chế quản lý kiến trúc chỉ nên xây dựng và ban hành ở mức độ là bộ “Khung công cụ” để quản lý, kiểm soát. Nó mang tính “Hướng dẫn thực hành kiến trúc” cấp bách tại các đô thị lớn, các khu vực trọng điểm, các khu vực đang bị tác động mạnh trong quá trình đô thị hóa, đặc biệt là khu vực giáp ranh nội thành, ngoại thành, khu vực làng xã đô thị hoá, làng ven đô tại khu vực chuẩn bị chuyển đổi từ huyện thành quận.

– Để xác định rõ các đặc điểm, tính chất riêng về bản sắc văn hóa dân tộc tại mỗi địa phương luôn bắt đầu từ các đơn vị tư vấn, nơi các kiến trúc sư, kỹ sư hạ tầng phát huy vai trò và trách nhiệm của mình trong việc nhận diện các đặc tính, bản sắc chuyên biệt của mỗi địa phương trong thực tiễn để định hướng, kiểm soát phát triển kiến trúc tiên tiến, đậm đà bản sắc. Để có thể giải quyết vấn đề thực tiễn, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả khi áp dụng, Quy chế quản lý kiến trúc cần có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học các chuyên ngành và các ý kiến phản biện từ cộng đồng cư dân.

– Thay đổi cách nhìn nhận, mô hình và phương thức quản lý phát triển đô thị và nông thôn trước đây: mô hình quản lý “cứng” về xã hội và chỉ cho một tầng lớp xã hội nhất định, với mục tiêu mong muốn về dân số ổn định theo quy hoạch tính toán, “đóng” cả về chức năng sử dụng đất, không gian và cả về hình thức, công năng của tòa nhà… để phù hợp thực tiễn cũng như tương lai.

Tài liệu tham khảo

([1]) PGS. TS. Phạm Hùng Cường, trường Đại học Xây dựng Hà Nội (Những vấn đề về sự chuyển biến cấu trúc khu ở trong các làng xã vùng ven Hà Nội). Tạp chí Kiến trúc. Số 1. Tr.38-39. Năm 2000.

 

Bài viết cũ hơn