Tác giả: ThS. KTS. Nguyễn Công Hưng – Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội – Điện thoại 0912261770. Email: hungnc@hau.edu.vn;
Planning model of Information technology parks in Vietnam
MSc. Architects. Nguyen Cong Hung
Abstract: The information technology park is a type of high-tech park, originally was built firstly in big cities to meet the requirements of Vietnam’s information technology development, and is forecasted to develop widely in the coming years in localities in order to attract leading advanced technology as well as highly qualified human resources. The article assesses the current situation of established IT parks, learns lessons from foreign case study in the development planning of IT parks, thereby proposing models of functional zoning planning, requirements of the spatial layout in accordance with the actual conditions in the localities.
Information technology (IT) emerged as one of the pioneering industries, contributing to the development of economies in terms of gross national product, job creation and access to advanced technology. on the world. IT has entered almost every industry and field and affects our daily lives, making our lives simpler. In Vietnam, IT is one of the high-tech fields prioritized for investment and development, and has made significant and rapid progress over the past 20 years. Vietnam has had a position on the world IT map, becoming one of the strongest countries in regional IT, and leading in the software service industry among the 6 strongest developing countries in the ASEAN region.
Not only software services, the industrial revolution 4.0 has been creating a significant reform in technology output. The trend of automation and data exchange in technology and production processes is increasingly being promoted. The construction of a system of smart IT industrial parks through the application of IT products in transportation, production and business activities has become a common trend worldwide and is encouraged by provincial governments. In fact, see this as a driving force to build high-quality human resources, aiming to create a sustainable economic foundation with a large amount of gray matter to create socio-economic development.
In summary, it can be seen that concentrated IT zones are currently concentrated in cities directly under the Central Government, where there are IT training institutions and localities where large technology corporations such as Samsung and Foxconn are present. in Thai Nguyen, Bac Ninh. The operating regions are small and medium in size, mainly performing software production functions and other service functions. The centralized IT parks have been established, recognized and approved by the CSO or before Decree 154 was banned, so there are a number of criteria that have not been met in terms of size, labor structure and land. The remaining large-scale concentrated IT parks, including new hardware production and business functions, are investing in infrastructure construction or added to the planning, so there is no basis for effective evaluation.
Implementing the 2017 Planning Law, the national sector plan on information and communication infrastructure for the period of 2021 – 2030, with a vision to 2050, is being established by the Ministry of Information and Communications. In particular, the draft provides a forecast scenario that by 2025, 12 to 14 centralized IT parks and software parks will be formed in major cities/urban areas across the country, with a land use scale. about 1,135 ha, forming clusters of concentrated IT zones in some regions. Purpose to create linkages in research, technology mastery and production of digital technology products to meet government development and implementation requirements. development of digital economy and digital society..
Keywords: Information technology, Planning model, High-tech Park
Khu công nghệ thông tin tập trung là một loại hình khu công nghệ cao, ban đầu được định hướng xây dựng tại các thành phố lớn để đáp ứng các yêu cầu phát triển công nghệ thông tin của Việt Nam. Loại hình này được dự báo sẽ phát triển mở rộng trong những năm tới tại các địa phương, nhằm thu hút công nghệ tiên tiến hàng đầu cũng như nguồn nhân lực trình độ cao. Bài báo đánh giá thực trạng các khu công nghệ thông tin tập trung đã thành lập, tìm hiểu bài học kinh nghiệm nước ngoài trong quy hoạch phát triển các khu công nghệ thông tin tập trung, từ đó đề xuất các mô hình quy hoạch phân khu chức năng, yêu cầu tổ chức không gian phù hợp với điều kiện thực tế tại các địa phương…
Hình 1: Quy hoạch xây dựng Khu Công viên phần mềm Đà nẵng 2
- Tình hình quy hoạch xây dựng phát triển khu công nghệ thông tin tập trung ở Việt Nam
Công nghệ thông tin (CNTT) đã nổi lên như một trong những ngành tiên phong, đóng góp vào sự phát triển của các nền kinh tế về tổng sản phẩm quốc nội, cung cấp việc làm và khả năng tiếp cận đối với công nghệ tiên tiến trên toàn thế giới. CNTT đã thâm nhập vào hầu hết các ngành, lĩnh vực và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, giúp cho cuộc sống của chúng ta trở nên đơn giản hơn. Ở Việt Nam, CNTT là một trong nhũng lĩnh vực công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, và đã có những bước tiến đáng kể, nhanh chóng trong vòng hơn 20 năm qua. Việt Nam đã có vị trí trên bản đồ CNTT thế giới, trở thành một trong những nước mạnh về CNTT trong khu vực, và đứng đầu về ngành dịch vụ phần mềm trong số 6 nước phát triển mạnh nhất khu vực ASEAN.
Không chỉ dịch vụ phần mềm, cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tạo ra cuộc cải cách đáng kể về công nghệ sản xuất. Xu hướng tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong các công nghệ và quy trình sản xuất ngày càng được đẩy mạnh. Việc xây dựng hệ thống các khu công nghiệp CNTT thông minh thông qua việc ứng dụng các sản phẩm CNTT trong việc vận hành hoạt động sản xuất, kinh doanh đã trở thành xu thế chung trên toàn thế giới và được chính quyền các tỉnh thành khuyến khích thực hiện, xem đây là động lực để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, hướng đến tạo dựng nền kinh tế bền vững, có hàm lượng chất xám lớn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Luật CNTT số 67/2006/QH11 đã xác định: “Khu CNTT tập trung là loại hình khu công nghệ cao (CNC), tập trung hoặc liên kết cơ sở nghiên cứu – phát triển, sản xuất, kinh doanh, đào tạo về CNTT”. Đây chính là nơi quy tụ các tổ chức, doanh nghiệp CNTT trong và ngoài nước nhằm phát triển công nghiệp ngành, lĩnh vực CNTT cho quốc gia, nên luôn được Nhà nước quan tâm phát triển.
Năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 154/2013/NĐ-CP (NĐ 154) quy định về khu CNTT tập trung, trong đó đã đưa ra tiêu chí, quy định đối với Khu CNTT về quy mô và tỷ lệ lao động chuyên môn CNTT so với lao động toàn khu, quy mô và tỷ lệ diện tích đất cho nhóm phân khu thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của khu CNTT tập trung so với diện tích toàn khu…
“Quy hoạch tổng thể phát triển khu CNTT tập trung đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”, được TTCP phê duyệt năm 2014, với mục tiêu ban đầu là xây dựng 2-3 khu CNTT tập trung tại mỗi thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh. Và đến tháng 6/2021 đã có 06 khu CNTT tập trung được thành lập theo quy định, với tổng diện tích khoảng 756ha, bao gồm: 03 khu đang hoạt động là “Khu Công viên phần mềm Quang Trung”, “Khu Công viên phần mềm Đà Nẵng”, “Khu CNTT tập trung Cầu Giấy”; 04 khu đang trong quá trình đầu tư xây dựng hạ tầng là “Khu CNTT tập trung Đà Nẵng”, “Khu Công viên công nghệ phần mềm Hà Nội”, “Khu CNTT tập trung Tp Cần Thơ” và 02 khu mới được bổ sung: Khu CNTT tập trung Bắc Ninh, Khu CNTT tập trung Yên Bình (Thái Nguyên)..
Bảng tổng hợp thực trạng các Khu CNTT tập trung
STT | Tên khu/ Địa điểm | Diện tích (ha) | Quá trình triển khai / Thực trạng hoạt động |
I | Khu đã thành lập | 306 | |
1 | Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung | 102,07 | Thành lập năm 2001; |
a | Khu Công viên phần mềm Quang Trung (Quận 12, TPHCM) | 43 | Được UBND thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt điều chỉnh QHCTXD năm 2014; |
b | Khu công nghệ phần mềm ĐHQG – TPHCM | 19,27 | |
c | Trung tâm CNTT Thừa Thiên Huế 1 (Huế ICT 1) | 0,2 | |
d | Trung tâm CNTT Thừa Thiên Huế 2 (Huế ICT 2) | 39,6 | |
2 | Khu Công viên phần mềm Đà Nẵng (Quận Hải Châu, Đà Nẵng) | 1,08 | Là một tổ hợp bao gồm cơ sở hạ tầng kỹ thuật CNTT, công nghệ viễn thông, mạng truyền dẫn, tích hợp dữ liệu, đào tạo. Thành lập và hoạt động từ năm 2010, và hiện đang xây dựng Công viên phần mềm Đà Nẵng 2. |
3 | Khu CNTT tập trung Cầu Giấy (Quận Cầu Giấy, Hà Nội) | 8,35 | Có tiền thân là Cụm tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp nhỏ Cầu Giấy. Được công nhận Khu CNTT tập trung năm 2013. Mặc dù số lượng doanh nghiệp CNTT không lớn, nhưng đều là những đơn vị lớn như Tập đoàn FPT, CMC, Viettel, Hài Hòa, Elcom, Misa… |
4 | Khu CNTT tập trung Đà Nẵng (Huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) | 131
|
Thành lập năm 2020; Được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt điều chỉnh QHCT sử dụng đất năm 2018; Công ty cổ phần phát triển Khu CNTT Đà Nẵng làm chủ đầu tư, đang xây dựng HTKT. Dự kiến mở rộng thêm 210 ha giai đoạn II. |
5 | Khu Công viên công nghệ phần mềm Hà Nội (Quận Long Biên, Hà Nội) | 43,45 | Được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt QHCTXD năm 2010; Công ty CP Hanel làm chủ đầu tư, đang xây dựng HTKT. |
6 | Khu CNTT tập trung thành phố Cần Thơ (quận Cái Răng, Cần Thơ) | 20,02 | Thành lập năm 2021; Đã phê duyệt điều chỉnh QHCTXD năm 2021. |
II | Khu mới bổ sung QH | 450 | |
7 | Khu CNTT tập trung Bắc Ninh (thành phố Bắc Ninh và huyện Tiên Du) | 250 | Đã được UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt Nhiệm vụ QHPKXD năm 2022, đang triển khai lập đồ án quy hoạch. |
8 | Khu CNTT tập trung Yên Bình, tỉnh Thái Nguyên | 200 | Nằm trong Tổ hợp Khu đô thị, công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ Yên Bình, bổ sung vào quy hoạch năm 2020. Đã phê duyệt QHCTXD, và lựa chọn Nhà đầu tư. |
Tổng cộng | 756 |
Hình 2: Quy hoạch xây dựng Khu Công viên Công nghệ phần mềm Hà Nội
Hình 3: Quy hoạch xây dựng Khu Công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng
Tỷ lệ lấp đầy của các khu CNTT lập trung đang hoạt động trên cả nước đạt trên 95%, cao hơn so với khu công nghiệp (KCN). Kể từ năm 2015, các khu CNTT tập trung tại Hà Nội và TP. Hồ Chí minh đã không còn quỹ đất dể đáp ứng yêu cầu mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp.
Tóm lại, có thể thấy các khu CNTT tập trung hiện đang tập trung tại các thành phố trực thuộc Trung ương, nơi có các cơ sở đào tạo CNTT, và các địa phương đã có sự hiện diện của tập đoàn công nghệ lớn như Samsung, Foxconn… ở Thái Nguyên, Bắc Ninh. Các khu đang hoạt động có quy mô nhỏ và trung bình, chủ yếu chỉ thực hiện chức năng sản xuất phần mềm và các chức năng dịch vụ khác. Các khu CNTT tập trung có quyết định thành lập, công nhận và QHCTXD được phê duyệt hoặc từ trước khi NĐ 154 được ban hành, nên có một số tiêu chí không đạt về quy mô, cơ cấu lao động và đất đai. Còn các khu CNTT tập trung quy mô lớn, bao gồm cả chức năng sản xuất, kinh doanh phần cứng mới đang đầu tư xây dựng hạ tầng hoặc bổ sung vào quy hoạch nên chưa có cơ sở đánh giá tính hiệu quả.
Triển khai Luật Quy hoạch 2017, Quy hoạch ngành quốc gia về hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức lập. Trong đó, dự thảo đưa ra kịch bản dự báo đến năm 2025 sẽ hình thành từ 12 đến 14 khu CNTT tập trung và chuỗi khu công viên phần mềm tại các thành phố/đô thị lớn trên cả nước, với quy mô sử dụng đất khoảng 1.135 ha, tạo thành các cụm khu CNTT tập trung tại một số vùng nhằm tạo sự liên kết trong nghiên cứu làm chủ công nghệ và sản xuất các sản phẩm công nghệ số đáp ứng được các yêu cầu cho triển khai chính phủ số và phát triển kinh tế số, xã hội số.
Do sự khác biệt lớn về quy mô, và đa dạng về cấu trúc không gian, dây chuyền công năng cũng như nằm trong mối quan hệ tương hỗ với các khu chức năng khác trong đô thị, nên cần tổng kết những mô hình quy hoạch cho loại hình khu CNTT tập trung, làm cơ sở lập quy hoạch xây dựng một cách khoa học và phù hợp thực tiễn hoạt động sau này.
- Kinh nghiệm nước ngoài về quy hoạch phát triển Khu CNTT tập trung
Trên thế giới đã có nhiều khu CNTT tập trung từ quy mô địa phương phát triển thành biểu tượng ngành của quốc gia như Silicon Valley (Mỹ), Bangalore (Ấn Độ), Z-Park (Trung Quốc), MSC (Malaysia)… Ngân hàng Thế giới (WB) đã đề xuất Khung CLIP để đánh giá các Khu CNTT tập trung, trong đó có 4 yếu tố, cụ thể là Vốn (Capital), Liên kết (Link), Cơ sở hạ tầng (Infrastructure) và Con người (People). Trong đó:
– Yếu tố “Vốn” đánh giá: i) Sự đầu tư, quyền sở hữu và quản lý Khu CNTT tập trung; ii) Sự kết hợp của doanh nghiệp CNTT chủ chốt và các doanh nghiệp khởi nghiệp trong khu và iii) Cung cấp dịch vụ ươm tạo doanh nghiệp, dịch vụ của ban quản lý khu và tính khả dụng vốn cổ phần tư nhân/vốn đầu tư mạo hiểm cũng như các phương tiện tài chính;
– Yếu tố “Liên kết” bao gồm: i) Sản phẩm và dịch vụ được cung cấp bởi những doanh nghiệp CNTT chủ chốt và sự phù hợp với các thị trường mục tiêu; ii) Mối quan hệ qua lại của những doanh nghiệp trong khu; iii) Mối quan hệ giữa những doanh nghiệp với các tổ chức đào tạo và trung tâm nghiên cứu – phát triển; và iv) Các dịch vụ giá trị gia tăng được cung cấp như tiếp cận thị trường, lập kế hoạch kinh doanh và hỗ trợ hoạt động, và phát triển liên kết trong và ngoài khu;
– Yếu tổ “Cơ sở hạ tầng” nhằm đánh giá: i) Tính sẵn có và lợi thế so sánh chi phí đất đai / không gian; ii) Chất lượng cơ sở hạ tầng bao gồm khả năng kết nối và cơ sở hạ tầng đô thị; iii) Đặc trưng cơ sở hạ tầng xã hội như các khu tiện ích giải trí, bán kính phục vụ; iv) Ổn định chính trị, luật pháp và cơ chế chính sách và v) Dữ liệu nội bộ, trong nước và quốc tế và kết nối bằng giọng nói;
– Yếu tố “Con người” là: i) Chất lượng của các cơ sở đào tạo; ii) Lương và chế độ phúc lợi của nhân viên hàng năm và iii) Sự sẵn có của nhân lực cả về số lượng và trình độ.
Dưới góc độ quy hoạch xây dựng, trong 4 yếu tố trên, bài viết tập trung phân tích yếu tố “Cơ sở hạ tầng” của các khu CNTT tập trung trên thế giới, cả thành công và không thành công, từ đó rút ra mô hình quy hoạch xây dựng phù hợp với điều kiện của Việt Nam trong những năm tới.
- Taedok Valley, Taejon, Hàn Quốc:
Thung lũng Taedok cách Seoul khoảng 150 km về phía nam và là một trong những Khu khoa học công nghệ đầu tiên ở Hàn Quốc, hình thành năm 1973-1974 cùng với sự ra đời của Đô thị Khoa học Taedok, như một phần nỗ lực của Chính phủ Hàn Quốc nhằm phát triển thêm trung tâm đổi mới và tăng trưởng, đồng thời giảm áp lực gia tăng dân số, cơ sở hạ tầng lên thành phố Seoul.
Trải rộng trên diện tích hơn 2.700 ha, Thung lũng Taedok bao gồm một khu dân cư; khu thương mại bao gồm các khu công nghiệp; Khu nghiên cứu và giáo dục; Khu cây xanh thân thiện với môi trường. Các tiện ích văn hóa và xã hội bao gồm phòng hội nghị và hòa nhạc, một khu liên hợp thể thao, hồ bơi và các công viên thể thao.
Thung lũng cách Sân bay quốc tế Cheon Gju khoảng 30 phút và cũng được kết nối nội địa tốt thông qua 3 đường cao tốc chính và 2 mạng lưới đường sắt. Kết nối dữ liệu và viễn thông do cơ quan Viễn thông Hàn Quốc cung cấp, trong đó có một cổng quốc tế dành riêng cho khu vực. Có khoảng 13 tòa nhà được xác định cho các dự án kinh doanh, được cung cấp miễn giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp.
Bài học: Mối liên kết giữa những đơn vị hoạt động trong khu, như công nghiệp, viện hàn lâm và các viện nghiên cứu – phát triển là một trong những yếu tố cần thiết để tạo điều kiện cho đổi mới thông qua phát triển sản phẩm và dịch vụ mới. Các Khu CNTT tập trung vào nghiên cứu – phát triển, nên được phát triển gần với học viện hoặc các viện nghiên cứu – phát triển có chất lượng hoặc nên được đặt trong các cơ sở, khu vực lân cận của các học viện đó.
Hình 4: Toàn cảnh Thung lũng Taedok
- Thành phố Hitec, Hyderabad, Ấn Độ:
Thành phố Tư vấn kỹ thuật công nghệ thông tin Hyderabad đặt trụ sở tại Hyderabad, thủ phủ của bang Andhra Pradesh và một trong những các thành phố phát triển nhanh nhất ở Ấn Độ. Thành phố Hitec nằm ở phía tây bắc Hyderabad và có diện tích khoảng 140 ha, hình thành từ năm 1998 và tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện, bao gồm tòa nhà Cyber Towers 10 tầng; Cyber Gateway – một tòa nhà cấu trúc hình thang dành cho các doanh nghiệp, trải rộng trên 3 ha, các khu CNTT độc lập với cơ sở vật chất phù hợp; Trung tâm Triển lãm Hitex bao gồm 3 cung triển lãm lớn và khu triển lãm ngoài trời và khu Hội chợ thương mại; Trung tâm Hội nghị quốc tế Hyderabad. Ước tính có khoảng hơn 2.000 ha đất liền kề Thành phố Hitec bao gồm các cơ sở của các công ty CNTT lớn, như CMC, TCS và Microsoft và các khu dân cư đang được hoàn thiện.
Thành phố Hitec chỉ cách trung tâm CBD của Hyderabad cũng như Sân bay Quốc tế Hyderabad khoảng 30 phút. Hyderabad là thành phố lớn thứ 6 ở Ấn Độ, và được kết nối tốt với tất cả các thành phố lớn ở Ấn Độ thông qua mạng lưới đường sắt và đường cao tốc quốc gia và tiểu bang. Để cải thiện kết nối đường bộ giữa các khu vực khác của thành phố với Hitec, một đường vành đai ngoài đang được xây dựng xung quanh thành phố. Một sân bay quốc tế mới đang được xây dựng tại Samshabad, cách Hitec City khoảng 20 phút, sẽ cải thiện hơn nữa kết nối hàng không của Hyderabad.
Bài học: Cơ sở vật chất và hạ tầng ảo đẳng cấp thế giới, đã được tạo ra thông qua quan hệ đối tác công cộng – tư nhân và được quản lý bởi một đội ngũ quản lý tư nhân hiệu quả, cung cấp dịch vụ chất lượng cho các doanh nghiệp CNTT, khiến cho Thành phố Hitec, Hyderabad là một trong những điểm đến ưa thích của các công ty CNTT ở Ấn Độ.
Hình 5: Thành phố Hitec, Hyderabad, Ấn Độ
- Khu Công nghệ thông tin Hubli, Ấn Độ
Khu CNTT tại Hubli, cách Bangalore, thủ phủ của bang Karnataka, nơi thường được ca ngợi là Thung lũng Silicon của Ấn Độ khoảng 420 km về phía bắc. Hubli – Dharwar là đô thị lớn thứ hai, trung tâm của Karnataka sau Bangalore với dân số khoảng 900.000 người.
Việc xây dựng khu bắt đầu vào cuối những năm 1990 và kéo dài khoảng 2-3 năm. Tòa nhà đầu tiên dành cho các doanh nghiệp đã đưa vào sử dụng năm 2002 trên khu đất 1,3ha. Năm 2006, Chính phủ bang đã công bố kế hoạch phát triển thêm khoảng 16 ha đất liền kề với tòa nhà Khu CNTT hiện có như một dự án phát triển độc lập, trung tâm cho các công ty CNTT.
Quốc lộ (QL 4) nối Hubli với Bangalore, Pune và Mumbai. Hubli cũng được kết nối tốt với Bangalore, Pune và Mumbai bằng đường sắt, với thời gian di chuyển đến Bangalore và Pune là khoảng 8 giờ và Mumbai khoảng 12 giờ. Khu CNTT phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng đô thị tại Hubli, đây thực chất là một thành phố loại II và thiếu cơ sở hạ tầng và tiện ích của một thành phố loại I như Bangalore, New Delhi hay Mumbai. Một trong những lý do chính khiến Hubli-Dharwar không thể thu hút các công ty CNTT lớn là thiếu cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội chất lượng. Thành phố không có bất kỳ khu phức hợp nào và có rất ít trung tâm mua sắm chất lượng, cơ sở giải trí, nhà hàng, nhà ở hiện đại. Hơn nữa, đã có những vấn đề về luật pháp và trật tự an ninh trong quá khứ do mâu thuẫn giữa hai cộng đồng.
Bài học: Khu CNTT tại Hubli không thể hoàn thành đạt được mục tiêu dự kiến là thu hút các công ty CNTT như là một giải pháp thay thế cho Bangalore. Để khu CNTT thành công, điều quan trọng là cơ sở hạ tầng xã hội cơ bản (chăm sóc sức khỏe, giáo dục, cơ sở giải trí) hiện diện trong khu vực lân cận của Khu CNTT. Không có cơ sở vật chất như vậy, khó thu hút nguồn nhân lực chất lượng.
- Khu Khoa học Singapore, Singapore:
Hình 6: Khu khoa học Singapore
Khu Khoa học Singapore (SSP) là một trong những khu Khoa học và Công nghệ sớm nhất của Singapore, được thành lập năm 1980. Trải rộng trên diện tích hơn 53 ha, SSP bao gồm một số tiện nghi và các tiện ích như ngân hàng tự động, cơ sở hội nghị (tại Công viên Khoa học I và II), phòng khám, cơ sở chăm sóc trẻ em, cửa hàng tiện ích, nhà hàng và các khu thể thao. Dịch vụ xe buýt đưa đón Công viên Khoa học Intra có sẵn cho người sử dụng.
Khu cách Sân bay quốc tế Changi khoảng 30 phút và tọa lạc tại trung tâm của Hành lang Công nghệ của Singapore gần Khu công nghiệp và CBD Jurong. Các vị trí thuận lợi giúp khu tận dụng cơ sở hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội đô thị của Singapore cùng với kết nối dữ liệu và giọng nói.
Bài học: SSP là một trong những khu thành công nhất ở Singapore và là nơi hội tụ các công ty lớn tập trung vào nghiên cứu- phát triển về công nghệ cao cấp. Liên kết chặt chẽ với các tổ chức học thuật như các trường đại học và cao đẳng và viện R&D là cần thiết cho các khu nơi tập trung chính của ngành nghề chủ chốt là đổi mới công nghệ. Tạo ra một hình ảnh thương hiệu mạnh mẽ của khu là một trong những yếu tố chính dẫn đến thành công của Khu Khoa học Singapore.
-
- Khu Cyberjaya, Malaysia;
Hình 7: Khu Cyberjaya, Malaysia
The Cyberjaya Flagship Zone (CFZ) là một trong năm khu bảo tồn không gian mạng được phát triển trong giai đoạn I của Dự án hành lang Siêu đa phương tiện, được lên ý tưởng và thực hiện trong khoảng thời gian từ 1995–2006.
Trải rộng trên diện tích hơn 2.800 ha, Cyberjaya bao gồm Khu dân cư trên 3.000 ngôi nhà và căn hộ; Khu phức hợp doanh nghiệp – văn phòng, Trung tâm ươm tạo; Khu thương mại; khu cây xanh và khu giải trí thân thiện với môi trường, Taman Tasik Cyberjaya (khoảng 36 ha). Số người cư trú tại CFZ là khoảng 11.000 người.
Cyberjaya cách Sân bay Quốc tế Kuala Lampur khoảng 45 phút và cũng có thể kết nối trong nước thông qua các đường cao tốc và mạng lưới đường sắt chính, tuy nhiên các dịch vụ giao thông công cộng cần được tăng cường.
Bài học: Cơ sở hạ tầng vật lý và ảo đẳng cấp thế giới là những nhu cầu thiết yếu. Cơ sở hạ tầng như đường giao thông, các tiện ích đô thị và xã hội như giải trí và thể thao, gần sân bay và cơ sở hạ tầng ảo về kết nối dữ liệu và giọng nói hiện đại là những điều kiện tiên quyết cần thiết cho các khu CNTT thành công.
Đề xuất mô hình quy hoạch Khu CNTT tập trung tại Việt Nam
- Loại hình quy hoạch:
Xét đặc thù CNTT là một ngành công nghiệp, Khu CNTT tập trung là một loại hình khu công nghệ cao, tập trung các hoạt động nghiên cứu & phát triển, ứng dụng & chuyển giao, đào tạo nhân lực, ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp công nghệ, sản xuất và kinh doanh sản phẩm, dịch vụ CNTT cho các tổ chức, doanh nghiệp và các hoạt động khác liên quan đến CNTT. Như vậy, việc đầu tư xây dựng khu CNTT tập trung phải căn cứ theo quy hoạch xây dựng, áp dụng đối với khu chức năng.
Các khu CNTT tập trung mới với quy mô đủ lớn và tiêu chuẩn cao để thu hút đầu tư của các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới vào Việt Nam. Đây sẽ là các trung tâm công nghệ cao, có hoạt động R&D, thúc đẩy mô hình liên kết chuỗi khu CNTT tập trung. Với các khu chỉ tập trung các cơ sở sản xuất phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT thì tổng diện tích đất được quy định tối thiểu 01 ha, như mô hình các khu Công viên phần mềm đang hoạt động hiện nay và được lập quy hoạch tổng mặt bằng và thiết kế kiến trúc công trình. Trường hợp khu có thêm các hoạt động khác thì tổng diện tích đất tối thiểu theo quy định phải đạt 05 ha, và được lập QHXD khu chức năng.
2. Lựa chọn địa điểm:
Phải đáp ứng các mục tiêu chiến lược và có sẵn quỹ đất đai, các cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các khu chức năng. Để tạo nên cho đô thị một trung tâm vừa mang tính chất nghiên cứu, chuyển giao, đào tạo vừa là một khu sản xuất, kinh doanh thì kết nối giao thông vận tải là rất cần thiết, nhưng vị trí cũng phải nổi bật về tính biểu tượng để tạo ra một không gian chức năng hòa nhập đầy đủ vào các chức năng của đô thị. Các địa điểm xây dựng Khu CNTT tập trung phải được đặt gần một trung tâm đào tạo ngành CNTT để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cho khu. Cụ thể:
– Tiêu chí thiết yếu: (1) Tiếp cận lực lượng lao động ngành CNTT có chất lượng; (2) Hạ tầng kết nối dữ liệu và thông tin liên lạc có sẵn và (3) Kết nối giao thông thuận tiện;
– Tiêu chí quan trọng: (1) Gần các tổ chức R&D đẳng cấp; (2) Sự hiện diện của công nghệ đã được thiết lập; (3) Cơ sở hạ tầng xã hội chất lượng, cuộc sống hấp dẫn;
– Tiêu chí mong muốn: (1) Có sự hiện diện của các nhà cung cấp và đối tác; (2) Có các ưu đãi của cộng đồng.
3. Mối quan hệ với đô thị:
– Khu . CNTT tập trung tại đô thị: Phát triển tập trung mật độ cao, như một bộ phận của cấu trúc khu dân dụng đô thị, cách trung tâm đô thị trong khoảng 5-10km. Áp dụng với các khu chỉ tập trung các cơ sở sản xuất phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT, còn lại sử dụng chung các cơ sở hạ tầng xã hội, tiện ích giải trí và nhà ở đô thị.
– Khu CNTT tập trung tại ven đô thị: Phát triển đan xen khu xây dựng mật độ thấp với không gian xanh, cảnh quan tại vị trí cận kề khu dân dụng đô thị, kết nối thuận tiện với các đầu mối giao thông đối ngoại trong khoảng 5-10km, cách các trường đại học/cơ sở nghiên cứu về CNTT trong khoảng dưới 20km. Áp dụng với khu CNTT quy mô trung bình và lớn, bao gồm đầy đủ các phân khu thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của khu CNTT tập trung cùng các cơ sở dịch vụ, tiện ích giải trí và nhà ở đồng bộ, khép kín.
4. Cấu trúc chức năng:
Khu CNTT tập trung được tổ chức thành 02 nhóm phân khu chức năng chính:
– Nhóm phân khu thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của khu CNTT tập trung bao gồm: Phân khu sản xuất, kinh doanh sản phẩm và dịch vụ CNTT; Phân khu nghiên cứu – phát triển (R&D), tư vấn, đào tạo, vườn ươm CNTT; Phân khu văn phòng, trụ sở làm việc phục vụ công tác quản lý, điều hành; Phân khu công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối và các hạ tầng kỹ thuật khác; Phân khu trưng bày, hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm và truyền thông…
– Nhóm phân khu cung cấp các dịch vụ cho khu CNTT tập trung bao gồm: Phân khu sinh thái và dịch vụ dân sinh; Phân khu tài chính hoặc liên kết tài chính, ngân hàng; Phân khu nhà ở phục vụ cho chuyên gia làm việc trong khu CNTT tập trung…
Việc bố trí, tổ chức từng phân khu chức năng có thể tập trung hoặc phân tán phù hợp với điều kiện thực tế của từng khu, đảm bảo thân tiện cho phân đợt xây dựng và có quỹ đất dự trữ đảm bảo giai đoạn phát triển Khu CNTT tập trung ít nhất trong 10 năm.
Hình 8: Sơ đồ các thành phần chức năng chính của khu CNTT tập trung
5 Nguyên tắc tổ chức không gian:
– Phân biệt giữa các khu vực làm việc với khu vực nghỉ ngơi giải trí, những khu vực dành riêng cho doanh nghiệp và các hoạt động liên quan với những khu vực dành cho giao dịch, hội nghị, hội thảo. Đây sẽ là không gian công cộng hoặc được quản lý bởi các công ty tư nhân làm đại lý cho một cơ quan công quyền;
– Xác định các khu vực dành riêng cho các công ty CNTT nhỏ trong giai đoạn khởi nghiệp, nhằm bố trí các cơ sở cụ thể: vườn ươm tạo, cơ sở thương mại, trung tâm phát triển kinh doanh…;
– Xác định các khu vực thuộc sở hữu tư nhân cho mặt bằng văn phòng cho thuê ngắn hạn và dài hạn. Dành các khu vực lớn hơn cho các công ty trưởng thành ở bên ngoài muốn thiết lập văn phòng trong khu CNTT;
– Tổ chức các lối vào có quy mô phù hợp để tạo điểm nhấn trong khu vực đô thị và kết nối chức năng với đô thị. Các đặc trưng không gian của khu sẽ được xác định bởi tính chất ngành nghề trong khu. Các khu được gọi là đa cực, tức là tổ chức không gian riêng cho các lĩnh vực cụ thể hoặc các giai đoạn phát triển công ty (khởi nghiệp, nghiên cứu và phát triển, sản xuất nhỏ).
– Tổ chức không gian khu nhà ở phục vụ cho chuyên gia với tiện ích và chất lượng kiến trúc cảnh quan ở mức độ cao, góp phần giảm căng thẳng sau giờ làm việc, tái tạo và kích thích khả năng sáng tạo.
Kết luận:
Đối với sự phát triển của các ngành CNTT và dịch vụ hỗ trợ CNTT, các khu CNTT tập trung đóng một vai trò quan trọng, trong đó sự thành công phụ thuộc vào một số yếu tố chính như nguồn nhân lực có tay nghề cao, chi phí cạnh tranh, chất lượng cơ sở hạ tầng liên quan đến ngành CNTT, và tổng thể môi trường thuận lợi cho phát triển kinh doanh. Kinh nghiệm thực tiễn về các khu CNTT tập trung thành công đã được phân tích, trong đó các khu CNTT này cần trải qua một số năm để đạt được mức tăng trưởng đáng kể.
Các nghiên cứu điển hình này có thể đưa ra lộ trình cải thiện sự phát triển của các khu CNTT của Việt Nam cũng như cải thiện hệ sinh thái tổng thể cho ngành CNTT. Việc phát triển các khu CNTT tập trung chính là việc làm cần thiết, không chỉ góp phần tạo dựng, xây dựng các khu đặc trưng về công nghiệp công nghệ, mà còn là động lực để các địa phương phát triển bền vững theo hướng số hóa. Tuy nhiên, không vì thế mà phát triển dàn trải khu CNTT tập trung tại tất cả các tỉnh, mà nên tập trung tại các thành phố lớn, hội tụ đủ các yêu cầu, tiêu chí như đã phân tích ở trên.
Quy hoạch các khu CNTT tập trung có xu hướng liên kết, tích hợp và chuyên môn hóa cao các khu chức năng nhằm tận dụng và khai thác một cách tối ưu nhất các trung tâm nghiên cứu, các tổ chức đào tạo và các công ty dựa trên nền tảng CNTT. Việc lựa chọn mô hình cho khu CNTT tập trung cần đảm bảo phát huy tính tương hỗ hiệu quả của các khu này với đô thị và các điểm dân cư ngoại thị xung quanh. Các mô hình mở, không khép kín là yêu cầu nổi trội để giải quyết bài toán về tính liên kết trong quy hoạch khu CNTT hiện đại.
Từ khóa: Công nghệ thông tin, Mô hình quy hoạch, Khu công nghệ cao.
Tài liệu tham khảo
-
-
- Bộ Thông tin và Truyền thông, Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Dự thảo)
- Luật Công nghệ cao số 21/2008/QH12 của Quốc hội
- Nghị định số 154/2013/NĐ-CP ngày 08/11/2013 của Chính phủ quy định về khu công nghệ thông tin tập trung
- Quyết định số 2407/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 của TTCP phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghệ thông tin tập trung đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025
- Lương Tú Quyên, Nguyễn Công Hưng (2020) “Mô hình quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù tại Việt Nam – Khu nghiên cứu” Tạp chí Kiến trúc và Xây dựng, số
- Atal Bihari Vajpayee Institute of Good Governance and Policy Analysis, Bhopal, “Study of leading IT parks in India”
- Deog-Seong Oh, Insup Yeom, (2012) “Daedeok Innopolis in Korea: From Science Park to Innovation Cluster”
- International Good Practice for Establishment of Sustainable IT Parks. Review of experiences in select countries, including three country case studies: Vietnam, Russia & Jordan. Washington, DC: infoDev/World Bank 2008.
- Charles W. Wessner, (2009), “Understanding research, science and technology parks: Global best practices”, The National Academies Press.
-