Bảo tồn và phát triển không gian kiến trúc cảnh quan TP. Cần Thơ

Cầu đi bộ Cần Thơ – ảnh nguồn Internet

Sông nước là thành phần tự nhiên, độc đáo trong tổng thể không gian cảnh quan đô thị Cần Thơ, nó không chỉ mang lại nhiều giá trị cả về vật chất lẫn tinh thần cho con người, mà còn góp phần tạo nên hình ảnh tiêu biểu cho thành phố. Vì vậy, việc bảo tồn và phát triển không gian kiến ​​trúc cảnh quan cho Cần thơ cần xem xét đến yếu tố nước, với ba hình thái là diện, tuyến và điểm, nhằm tạo lập những không gian thư giãn, giao lưu cộng đồng chất lượng. Đây cũng chính là không gian văn hóa, thẩm mỹ, nơi giao tiếp xã hội đậm chất Nam Bộ.

Trước khi trở thành một đô thị sầm uất như ngày nay, gần 400 năm trước, vùng đất sinh ra đô thị Cần Thơ chỉ là một khu vực chằng chịt kênh rạch, một khu vực đầm lầy, nước mặn. Trải qua những biến đổi của dòng chảy, nơi đây đã chuyển biến từ một vùng đầm lầy thành một khu vực đồng bằng được bồi đắp bởi phù sa màu mỡ. Tại khu vực hợp lưu của con sông Hậu và sông Cần Thơ, ngày nay đã trở thành nơi tụ họp của những người dân sống bằng nghề sông nước, với các ngôi làng và các bến chợ được hình thành ở các khúc sông thuận lợi, cửa vào ngã ba, ngã tư ven sông.

Trong điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng của thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn 2050, nhiều dự án được xây dựng ven sông với các công trình điểm nhấn, như công viên văn hóa, trung tâm thương mại… Bên cạnh đó, chính quyền cũng đề xuất các dự án giải tỏa nhà dọc sông để xây dựng công viên, cải tạo khu vực ven sông thành trục cảnh quan, nhằm mang lại bộ mặt mới cho đô thị, nâng cao chất lượng môi trường sống và phát triển du lịch.

Không gian mở trong đô thị có vai trò rất quan trọng, nó không chỉ tạo nên những cảnh quan đẹp, mà còn có ý nghĩa với cuộc sống hằng ngày của người dân. Những không gian mở đó không chỉ đơn thuần là nơi nghỉ ngơi, giải trí, bảo tồn cảnh quan môi trường và các giá trị văn hóa, mà còn là nền tảng sống còn của đô thị. Nó mang đến những lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái rất thiết thực đối với khả năng hoạt động lành mạnh của đô thị.

  1. Tổng quan về hiện trạng kiến trúc cảnh quan không gian mở khu trung tâm truyền thống Ninh Kiều- Bình Thuỷ

1.1. Ưu điểm

Nếu lấy trung tâm của khu trung tâm truyền thống Bình Thủy – Ninh Kiều là công viên Bến Ninh Kiều thì các không gian mở xung quanh đều có sự kết nối nhất định với nhau. Trong đó, công viên Lưu Hữu Phước đóng vai trò điểm mở đầu cho tuyến di chuyển từ trong đô thị ra phía bờ sông Cần Thơ. Với vai trò như là một quảng trường văn hóa của thành phố Cần Thơ, công viên có tiềm năng lớn trong việc kết nối các hoạt động văn hóa – xã hội, vui chơi giải trí của người dân quanh vùng, với không gian mặt nước lớn, chính là sông Cần Thơ và sông Hậu.

Sau khi trải nghiệm hết công viên Bến Ninh Kiều với điểm kết là cầu đi bộ với thiết kế ấn tượng, người dân và du khách có thể tiếp tục trải nghiệm không gian mặt nước của thành phố Cần Thơ với không gian của công viên bờ sông Hậu. Nhìn vào cấu trúc này, có thể thấy được rằng thành phố đã có tầm nhìn tốt khi dành ra khoảng không gian dọc sông Cần Thơ và sông Hậu cho các hoạt động công cộng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác giá trị cảnh quan của không gian mặt nước lớn.

Kết thúc tuyến kết nối khu vực trung tâm truyền thống này chính là cụm công trình hỗn hợp, trong đó, có các công viên đã được thiết kế và đưa vào sử dụng, bao gồm công viên vòng xoay và đặc biệt là công viên nước Cần Thơ.

Có một thực tế không thể phủ nhận, đó là hệ thống này đã kết nối các hoạt động xung quanh nó, thúc đẩy sự phát triển của các dịch vụ xung quanh. Điều này tạo nên sự nhộn nhịp cho khu vực trung tâm của thành phố Cần Thơ và thu hút người dân cũng như du khách đến nơi đây. Nhìn chung, hệ thống không gian mở tại khu trung tâm truyền thống Ninh Kiều – Bình Thủy cùng với một số không gian công cộng khác nằm gần đó, như công viên văn hóa Miền Tây (cách trung tâm khoảng 3km) và công viên giải trí Hậu Giang (cách trung tâm khoảng 10km) đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu hằng ngày của người dân thành phố.

Hình 1.Hệ thống không gian mở trong khu vực truyền thống Ninh Kiều – Bình Thủy (Nguồn: nhóm tác giả)

1.2. Khuyết điểm

1.2.1  Đặc điểm xã hội

Xét về hoạt động trong không gian mở, bên cạnh một số không gian chưa xác định được hoạt động tất yếu như công viên bờ sông Hậu, công viên vòng xoay, thì còn có những không gian mở chưa hỗ trợ tốt cho các hoạt động tự chọn và hoạt động xã hội, như công viên Lưu Hữu Phước, công viên nước Cần Thơ. Theo Jan Gehl trong tác phẩm “Cuộc sống giữa những công trình kiến trúc”, những hoạt động ngoài trời trong không gian mở đô thị có thể được chia thành 03 loại, mỗi loại có mức độ đòi hỏi ở một bối cảnh khác nhau: hoạt động thiết yếu (necessary activities), hoạt động tự chọn (optional activities) và hoạt động xã hội (social activities). Khi chất lượng không gian mở không tốt thì chỉ có các hoạt động tất yếu diễn ra, còn ngược lại thì tần số của hoạt động tự chọn và hoạt động xã hội sẽ tăng cao tương ứng. Do đó, có thể thấy rằng các không gian mở của Cần Thơ chưa có những không gian khuyến khích người sử dụng tìm tòi, phát triển sở thích cá nhân, cũng như phát triển các hoạt động tương tác giữa người với người.

Còn xét về mặt an ninh, an toàn của không gian mở, có một thực tế rõ ràng là các không gian mở trong khu vực chưa có những thiết kế đảm bảo sự an toàn cho người sử dụng, đặc biệt là đối tượng trẻ em hay người khuyết tật, như chiếu sáng bậc thang, vạch qua đường, đèn còi tín hiệu… Một số không gian mở còn thiếu hệ thống chiếu sáng làm xuất hiện những khoảng tối gây cảm giác mất an toàn, rụt rè, không muốn tiếp cận hoặc sử dụng các không gian này.

Tất cả những điều đã nói ở trên đã khiến cho không gian mở tại khu vực trung tâm truyền thống Ninh Kiều – Bình Thủy chưa thực sự là một “nơi chốn” tốt cho người dân và du khách thăm quan. Chính điều này dẫn đến sự kém thu hút người dân đến và trải nghiệm, mặc dù, hầu hết các không gian nơi đây đều có tiềm năng phát triển rất lớn.

1.2.2 Đặc điểm công năng

Nhìn tổng thể khu vực thì các không gian mở hầu như đều có sự liên kết với nhau, nhưng trên thực tế, các không gian này vẫn chưa có sự phát triển đồng bộ, dẫn đến hệ thống này bị giảm tính liên kết cũng như khả năng phục vụ.

Có thể thấy được rằng, công viên Lưu Hữu Phước mặc dù khá gần so với hạt nhân không gian công cộng của cả thành phố Cần Thơ là công viên Bến Ninh Kiều nhưng hầu như giữa hai không gian này không hề có sự liên kết nào. Nếu như các tuyến đường khu vực chợ đêm Bến Ninh Kiều có thể kết nối một phần nào đó giữa hai công viên này về đêm, thì vào ban ngày, hai công viên này hoàn toàn bị tách rời. Còn khi kết thúc cầu đi bộ và hướng về phía công viên bờ sông Hậu, chính thiết kế không gian nghèo nàn và khác biệt giữa hai bên đầu cầu đã khiến cho người đi bộ không muốn tiếp tục hướng về phía công viên bờ sông Hậu. Và cuối cùng, mặc dù quảng trường công viên sông Hậu là nơi nổi tiếng với hoạt động thả diều, thường xuyên tụ tập đông người nhưng cũng không hề tạo được sự liên kết cảnh quan nào với công viên vòng xoay cũng như công viên nước Cần Thơ. Chính sự rời rạc này đã làm cho hệ thống không gian mở ở khu trung tâm truyền thống Ninh Kiều – Bình Thủy không phát huy được hết tiềm năng của mình.

Và cuối cùng, hầu hết các không gian mở trong khu vực trung tâm truyền thống Ninh Kiều – Bình Thủy đều chưa xác được đặc tính, công năng, hoạt động định danh. Có thể lấy ví dụ như công viên Lưu Hữu Phước, mặc dù được thiết kế với hình thức và vai trò như là một quảng trường công cộng nhưng người dân vẫn quan niệm đây là công viên; hay công viên Vòng Xoay là vườn dạo, nhưng lại nằm ở vị trí nút giao thông; còn công viên giải trí Hậu Giang nhưng lại được thiết kế với đường nét của một khu đô thị. Khi những thiết kế hoặc công năng được gán ghép không phù hợp với điều kiện hiện trạng và các đặc trưng cảnh quan xung quanh sẽ dẫn đến những thiết kế sai nguyên lý và làm cho các không gian này hoạt động không hiệu quả.

Hình 2. Chòi nghỉ tại công viên bờ sông Hậu (Nguồn: nhóm tác giả)
Hình 3. Ghế ngồi tại công viên Lưu Hữu Phước

1.2.3 Đặc điểm cảnh quan

Xét về đặc điểm thiết kế cảnh quan của các không gian mở trong khu vực trung tâm thành phố Cần Thơ thì hầu như các không gian này chưa khai thác tốt các yếu tố cảnh quan, cũng như không có các đặc trưng riêng nổi bật:

– Mặc dù một số không gian có điều kiện mặt nước thuận lợi như công viên bờ sông Hậu hay công viên văn hóa Miền Tây nhưng đều chỉ được khai thác ở mức độ cơ bản, chưa có yếu tố trang trí, và chưa tạo điều kiện để người sử dụng có thể tương tác với các không gian mặt nước thú vị này.

– Sự liên kết tuyến tính về mặt thị giác chưa được khai thác. Có thể thấy bằng qua việc các tuyến đường trong các không gian mở trong khu vực này hầu hết đều được thiết kế đơn điệu, nhàm chán, thiếu tính định hướng.

Hình 4. Thiếu cây xanh tại quảng trường công viên bờ sông Hậu (Nguồn: nhóm tác giả)
Hình 5. Bờ kè tại công viên bờ sông Hậu

– Các điểm nhìn, điểm cảnh trong khu vực thường bị che khuất và không có sự liên kết với nhau, tạo nên sự rời rạc, thiếu liên kết, kém hấp dẫn đối với người sử dụng.

– Thiếu các điểm trung gian đối với các khu đất có hình thái dài hẹp như công viên bờ sông Hậu. Do thiếu các điểm trung gian này nên với tuyến đường dạo dài và hẹp sẽ làm cho người sử dụng cảm thấy nhàm chán và không muốn tiếp tục di chuyển để khám phá các không gian khác.

Hình 6. Hệ thống điểm nhấn hiện hữu và tiềm năng của công viên bờ sông Hậu – (Nguồn: nhóm tác giả)

– Chưa xử lý tốt đối với các không gian bất lợi xung quanh. Một số không gian mở bị tác động tiêu cực bởi các công trình hiện hữu xung quanh, nhưng hầu như không có giải pháp nào để hạn chế những tác động tiêu cực về mặt thị giác này.

– Hầu hết các không gian mở đều chưa hoàn thiện hệ thống cây xanh cảnh quan. Các cây xanh được sử dụng đều được trồng một cách rập khuôn, đơn điệu, thiếu sự quan tâm đến cảm xúc của không gian cũng như các yếu tố sinh thái của khu vực.

– Thiếu đồng bộ về mặt đường nét kiến trúc của các công trình kiến trúc nhỏ, tiện ích (ghế ngồi, thùng rác, cột đèn…). Còn các công trình kiến trúc lớn thì chưa có sự đầu tư thiết kế, trau chuốt về đường nét, hình khối, tỉ lệ, phong cách kiến trúc. Do đó, các không gian chi tiết trong các không gian mở này trở nên thiếu hài hòa, thậm chí trở nên đơn điều.

– Ngoài ra, các yếu tố lịch sử của khu vực hầu như chưa được khai thác hoặc chưa được làm rõ, làm cho thiếu đi “phần hồn” của không gian cũng như chưa tạo được những thiết kế sâu sắc, phù hợp với đặc điểm, tập quán của người dân trong khu vực.

  1. Định hướng bảo tồn và phát triển kiến trúc cảnh quan không gian mở tại trung tâm truyền thống Ninh Kiều – Bình Thuỷ thành phố Cần Thơ

Dựa trên định hướng phát triển không gian của thành phố Cần Thơ, thì vai trò của công viên bờ sông Hậu cần được nhấn mạnh để xứng đáng với vai trò công viên chuyên đề cấp vùng. Do đó, việc xác định lượng du khách tiềm năng và các loại hình chuyên đề có thể phát triển tại khu vực này là hết sức cần thiết. Đồng thời, với vai trò là công viên chuyên đề cấp vùng của mình thì công viên bờ sông Hậu có thể trở thành điểm trung gian để kết nối các không gian hoạt động năng động trong khu trung tâm truyền thống đến với các khu vực xung quanh. Đây là tiền đề hết sức cần thiết để phát triển hệ thống cảnh quan không quan gian mở hoàn chỉnh.

2.1 Nguyên tắc phát triển chung

Để đảm bảo hình thành một hệ thống không gian mở hoàn chỉnh trong khu trung tâm truyền thống Ninh Kiều – Bình Thủy, thì cần đẩy mạnh sự phát triển hoàn thiện của hệ thống không gian mở hiện hữu, đồng thời bổ sung thêm các không gian hỗ trợ. Trong đó:

– Đầu tiên, xác định lại vai trò, tính chất cụ thể của từng không gian mở trong khu vực trung tâm thành phố nhằm mang lại sự đa dạng cho hệ thống không gian mở, cũng như làm cơ sở để có các thiết kế phù hợp với chức năng, vai trò của các khu vực đó. Từ đó, hình thành hình ảnh đặc trưng của từng khu vực nhưng vẫn không làm mất đi tính thống nhất chung của cả hệ thống. Các không gian mở cần lưu ý trong hệ thống là công viên Lưu Hữu Phước, chợ đêm Cần Thơ, công viên Bến Ninh Kiều, công viên bờ sông Hậu, công viên vòng xoay, công viên nước Cần Thơ, và các không gian hỗ trợ để hoàn thiện hệ thống là công viên văn hóa Miền Tây, công viên giải trí Hậu Giang.

– Thứ hai, hoàn thiện hệ thống không gian mở bằng việc phát triển hoàn chỉnh 02 không gian mở kết nối trực tiếp với công viên Bến Ninh Kiều là công viên Lưu Hữu Phước và công viên bờ sông Hậu. Trong đó, công viên Lưu Hữu Phước sẽ đóng vai trò như là điểm bắt đầu, giúp người sử dụng định hướng di chuyển từ trong trung tâm thành phố ra bờ sông Cần Thơ. Còn đối với công viên bờ sông Hậu, việc kết nối tốt sẽ là cơ hội để mở rộng ảnh hưởng của khu trung tâm truyền thống Ninh Kiều – Binh Thủy ra các không gian khác.

– Hình thành tuyến đi bộ xuyên suốt hệ thống, kết nối các khu vực dọc bờ sông. Để hình thành tuyến đi bộ này thì cần hình thành đường đi bộ xuyên suốt với các dấu hiệu nhận diện rõ ràng, cũng như bổ sung thêm các điểm trung gian hấp dẫn để khuyến khích người sử dụng di chuyển suốt tuyến. Các điểm trung gian cần ưu tiên bổ sung là khu vực chợ đêm Cần Thơ và chân cầu đi bộ. Với khu vực chợ đêm phát triển có quản lý ra các tuyến đường như Nguyễn Thái Học – Võ Văn Tần, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, và Nguyễn An Ninh – Châu Văn Liêm sẽ giúp tăng tính định hướng từ khu vực công viên Lưu Hữu Phước ra bờ sông Cần Thơ. Còn các điểm trung gian ở chân cầu đi bộ sẽ làm tăng tính kết nối cũng như tính hấp dẫn giữa khu vực hai bên cầu.

Hình 7. Hệ thống tuyến đi bộ đề xuất trong khu trung tâm hiện hữu (Nguồn: nhóm tác giả)

 

Hình 8. Đề xuất phân tuyến kết nối và điểm nhấn công viên bờ sông Hậu (Nguồn: nhóm tác giả)

2.2 Đảm bảo đặc tính xã hội

Khi đảm bảo được đầy đủ các đặc tính xã hội, các không gian mở không chỉ là nơi vui chơi giải trí đơn thuần, mà các không gian đó sẽ trở thành “nơi chốn” tốt – có các giá trị phi vật thể, tạo mối liên kết giữa con người với con người và con người với không gian. Để đảm bảo khía cạnh xã hội này, các không gian mở trong khu trung tâm truyền thống Ninh Kiều – Bình Thủy cần phải được:

– Đảm bảo tính “nơi chốn”, của khu vực trung tâm truyền thống. Tổ chức Dự án không gian công cộng (Project for Public Space- PPS) đã đưa ra 4 yếu tố làm cơ sở đánh giá một nơi chốn thành công: đó là sự thoải mái & tính hình ảnh, khả năng liên hệ và tiếp cận, công năng sử dụng và các hoạt động, tính thân thiện xã hội. Dựa trên các yếu tố này, có thể thấy việc hình thành hình ảnh đặc trưng cho từng địa điểm là hết sức cần thiết. Trong đó, đặc trưng sông nước cần phải được phát triển và làm nổi bật vì thành phố Cần Thơ là trung tâm của khu vực miền Tây Nam Bộ. Các không gian mở gắn liền với các mặt nước lớn như sông Cần Thơ, sông Hậu nên khai thác triệt để yếu tố này để mang lại cái nhìn đặc trưng đối với du khách, cũng như gần gũi đối với người dân địa phương. Bên cạnh đó, các hình ảnh đặc trưng về công năng, điều kiện tự nhiên của từng khu vực cũng nên được đánh giá và thiết kế nhằm làm nổi bật các yếu tố đặc trưng đó.

– Đảm bảo sự đa dạng về chức năng, mang lại nhiều lựa chọn hoạt động cho người sử dụng, có như vậy mới có thể khuyến khích người dân đến tham gia các hoạt động, từ đó tăng cường sự kết nối cộng đồng, giao tiếp xã hội. Vì trong các không gian mở, con người không chỉ giao tiếp trực tiếp với nhau bằng việc tham gia vào các hoạt động cụ thể, mà họ còn có thể giao tiếp với nhau bằng giao tiếp gián tiếp, tức là qua việc quan sát các hoạt động đang diễn ra trong không gian ấy.

– Đảm bảo sự công bằng xã hội, một không gian mở tốt phải có những thiết kế và tiện nghi phục vụ cho phép người già, người khuyết tật và trẻ em tiếp cận và sử dụng thuận tiện. Đồng thời không gian mở ấy cũng phải cho phép người sử dụng có khả năng lựa chọn nhiều loại hình giao thông để tiếp cận, kể cả bằng các phương tiện công cộng lẫn phương tiện cá nhân. Bán kính tiếp cận không gian mở cũng có vai trò khá lớn đối với tần suất sử dụng của nó. Trong trường hợp của thành phố Cần Thơ, cần phải định hình các khu vực phát triển các bãi đậu xe, cũng như cải thiện hệ thống giao thông công cộng cả đường thủy và đường bộ.

– Chú ý đến việc đảm bảo an ninh, an toàn của người sử dụng. Bên cạnh việc sử dụng các thiết bị hỗ trợ thì giải pháp căn bản nhất để giải quyết là làm sao cho không gian mở ấy càng hấp dẫn người sử dụng càng tốt vì cảm giác đang ở trong phạm vi có thể nhìn thấy của người khác cũng đem lại cảm giác về sự an toàn.

Hình 9. Sơ đồ hoạt động đề xuất trong khu trung tâm hiện hữu

2.3 Đảm bảo đặc tính công năng

Để đảm bảo đặc tính công năng của các không gian mở trong khu vực trung tâm thành phố Cần Thơ, cần phải tác động trên nhiều khía cạnh. Cụ thể:

– Tiện nghi (hay sự dễ chịu, thoải mái) là yếu tố quyết định để chúng ta lưu lại một không gian lâu hay mau. Do đó, cần chú ý đến tiện nghi môi trường bằng cách bổ sung các tiện ích che nắng, mưa gió, cũng như trồng thêm cây xanh để cải thiện vi khí hậu. Đối với tiện nghi vật thể thì cần bổ sung thêm ghế ngồi, bậc ngồi hay chỗ uống nước cho người sử dụng.

– Thư giãn (thư thái): Trong các không gian mở thuộc khu trung tâm thành phố Cần Thơ cần chú trọng đến việc phân khu chức năng động – tĩnh hợp lý, cũng như tăng cường các yếu tố tự nhiên như cây xanh, hoa lá, mặt nước để hình thành những không gian giúp cho người sử dụng có thể thư giãn, hạn chế được sự ồn ào, bụi bặm, tăng cường tính thư giãn.

– Giao tiếp: đây thường được coi là chức năng chính của những không gian mở, với 2 loại chính là giao tiếp thụ động (ngồi ngắm nhìn, quan sát những người khác trong không gian mở) và giao tiếp chủ động (trực tiếp trò chuyện, trao đổi, cùng hành động với những người khác trong không gian mở). Do đó, khi thiết kế các không gian mở, đặc biệt là trong bối cảnh của khu vực miền Tây Nam Bộ, con người sống chan hòa, gần gũi với nhau, thì việc hình thành các không gian khuyến khích sự giao tiếp giữa người với người (các không gian vừa và nhỏ) là điều quan trọng để lưu giữ lại các dấu ấn tốt đẹp của con người nơi đây.

– Lôi cuốn khám phá: Chính là sự hấp dẫn của môi trường khiến mọi người bị thu hút đến đó. Nên những không gian ấn tượng như cầu đi bộ công viên Bến Ninh Kiều là một ví dụ tốt, cần được phát huy. Đồng thời, cũng tiếp tục tận dụng ưu thế của không gian mặt nước của sông Cần Thơ và sông Hậu với hướng nhìn về dấu ấn quan trọng của thành phố Cần Thơ là cầu Cần Thơ. Tính chất này của một không gian đạt được phần lớn nhờ việc quản lý và tổ chức các hoạt động đa dạng trong không gian. Vì vậy, cần tăng cường tổ chức đa dạng các sự kiện với hình thức trang trí khác nhau, bao gồm cả các hoạt động định kỳ của thành phố và các hoạt động không định kỳ của riêng khu vực, mọi người sẽ không chỉ đến một lần mà nhiều lần để khám phá các không khí, và khung cảnh khác nhau.

Đề xuất phân khu chức năng và tuyến giao thông kết nối của công viên nước
Đề xuất phân khu chức năng và tuyến giao thông kết nối công viên vòng xoay
Đề xuất phân khu chức năng và giao thông của công viên văn hóa Miền Tây
Đề xuất phân khu chức năng và giao thông của công viên giải trí Hậu Giang

Hình 10. Đề xuất các khu vực không gian mở cụ thể (Nguồn: nhóm tác giả)

2.4 Thiết kế cảnh quan

Với đặc trưng riêng của mình, cảnh quan có thể tác động được cả 05 giác quan của người sử dụng, do đó, cần thiết kế để 05 giác quan đều được tác động mạnh mẽ, nhằm mang lại trải nghiệm ấn tượng cho người sử dụng về khu vực trung tâm truyền thống Ninh Kiều – Bình Thủy.

– Không gian cảnh quan cần có đa dạng chủng loại cây xanh, trong đó chú ý phân loại cây xanh theo mùa, nhằm giúp cho cảnh quan luôn phong phú, hấp dẫn theo từng thời điểm trong năm. Như vậy, khi người sử dụng đến khu vực vào bất cứ thời điểm nào cũng được trải nghiệm những khung cảnh khác nhau, đồng thời, các cảnh quan thay đổi này cũng chính là những dấu hiệu giúp cho người sử dụng nhận biết được các mốc thời gian của tự nhiên.

– Tại các không gian cảnh quan sẽ hạn chế sử dụng cây ngoại lai, tăng cường sử dụng cây địa phương. Những cây địa phương có thể có hạn chế về mặt tạo hình, nhưng mang lại cảm giác thân thuộc, gần gũi cho người dân và hình thành nên những dấu ấn đặc trưng riêng của khu vực đối với du khách đến thăm quan.

– Tăng cường sử dụng một loại thực vật có mùi hương phù hợp với không gian công cộng, đồng thời có khả năng thanh lọc môi trường, để tạo nên dấu ấn cho khứu giác đối với người sử dụng.

– Yếu tố mặt nước là yếu tố quan trọng nhằm đưa lại hình ảnh khu vực. Do đó, đối với các không gian nhỏ, hạn chế về điều kiện mặt nước như công viên giải trí Hậu Giang hay công viên văn hóa Miền Tây, nên sử dụng các mặt nước động kết hợp với hình thức chiếu sáng, âm nhạc nhằm tác động mạnh mẽ với người sử dụng về mặt thị giác, thính giác. Đối với các không gian có mặt nước lớn như công viên bờ sông Hậu, cần tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với mặt nước như kè mềm hay cầu cảng, tránh sử dụng hệ thống rào chắn xuyên suốt vì đây chính là những tác động cụ thể nhất về mặt xúc giác đối với người sử dụng. Đồng thời, đa dạng đường bao tiếp giáp giữa mặt nước và bờ, kết hợp với các hoạt động trên mặt nước nhằm đa dạng hình ảnh khu vực.

  1. Kết luận

Để bảo tồn và phát triển các giá trị kiến trúc cảnh quan không gian mở đô thị trong thành phố Cần Thơ, cần xem xét yếu tố nước trong đô thị với ba hình thái diện, tuyến, điểm nhằm tạo lập những không gian nghỉ ngơi, thư giãn sinh hoạt cộng đồng… Đây còn là kênh thụ hưởng thị giác, là cơ sở hình thành không gian giao tiếp xã hội đậm chất văn hoá Nam Bộ.

Không gian mở trong đô thị có vai trò rất quan trọng không chỉ trên phương diện tạo nên những cảnh quan đẹp mà còn có ý nghĩa với cuộc sống hằng ngày của người dân. Những không gian mở đó không chỉ đơn thuần là nơi nghỉ ngơi, giải trí, bảo tồn cảnh quan môi trường và các giá trị văn hóa mà còn là nền tảng cho tính sống còn của đô thị. Nó củng cố rất nhiều những lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái thiết thực đối với khả năng hoạt động lành mạnh của các chức năng đô thị.

ThS. KTS. Đỗ Thùy Linh[1]

[1] Ngành Kiến trúc cảnh quan, Khoa Quy hoạch, Trường Đại Học Kiến Trúc TPHCM

 

Bài viết cũ hơn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *