Đà Lạt – Đô thị di sản với công tác quy hoạch và quản lý phát triển

Sáng ngày 27/11/2020, tại Trung tâm hội nghị Dalat Palace Hotel, UBND tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “ Đà Lạt – Đô thị di sản với công tác quy hoạch và Quản lý phát triển”. Tới dự hội thảo có  Ông Nguyễn Thanh Nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng; ông Đoàn Văn Việt, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng; ông Trần Văn Hiệp, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Võ Ngọc Hiệp, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng; ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh;  KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cùng Lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành của tỉnh, thành phố Đà Lạt, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu về kiến trúc, đô thị trong nước và quốc tế đã tham dự

Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển dô thị VN phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc hội thảo, KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng để có cơ sở bảo tồn và phát huy giá trị di sản dưới góc nhìn, nhận diện về các yếu tố đô thị, cần phải đánh giá và xem xét lại vị thế tài nguyên khí hậu, tài nguyên cảnh quan và kiến trúc đặc trưng của Đà Lạt.  Mối quan hệ hài hòa giữa thiên nhiên tươi đẹp và tinh hoa văn hóa bản địa của cư dân sẽ tạo nên bản sắc văn hóa của Đà Lạt. Giữ được những nét đặc thù mà thiên nhiên và lịch sử đã để lại sẽ tạo nên sự độc đáo vô giá cho Đà Lạt. Tuy nhiên để làm được điều này Đà Lạt rất cần có một cơ chế đặc thù, một hành lang pháp lý đủ đầy để mở đường cho Đà Lạt trở thành đô thị di sản.

Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm đồng phát biểu chào mừng

Phát biểu chào mừng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S cho biết: Trong những năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức nhiều hội thảo lớn nhằm hoạch định các chiến lược để quy hoạch, phát triển di sản đô thị Đà Lạt. Mặc dù vậy trước áp lực của quá trình đô thị hóa đã bộc lộ những mặt hạn chế về mặt kiến trúc, cảnh quan môi trường phần nào bị tác động. Do đó rất cần có những cơ chế, chính sách, nhất là sự tham gia góp ý, xây dựng của các chuyên gia, nhà nghiên cứu về đô thị để địa phương tiếp tục thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý phát triển đô thị di sản Đà Lạt trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu chỉ đạo Hội thảo

Thay mặt Lãnh đạo Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Thanh Nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định: TP. Đà Lạt từ lâu được biết đến là Trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch quan trọng của khu vực Tây Nguyên và cả nước. Tuy nhiên thực tiễn cho thấy, công tác bảo tồn di sản kiến trúc đô thị và cảnh quan thiên nhiên ở Đà Lạt vẫn chưa đồng bộ, toàn diện. Trong đó phải kể đến những mẫu thuẫn giữa mục tiêu phát triển thành phố và mục tiêu bảo tồn, phát triển những giá trị, lịch sử, văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc đô thị, bản sắc Đà Lạt. Vì vậy cần xem xét lại vị thế, đánh giá lại di sản đô thị, tài nguyên khí hậu, tài nguyên cảnh quan của Đà Lạt. Nhanh chóng xác định tiêu chí, khoanh vùng khu di sản, điểm di sản, thống kê quỹ di sản của Đà Lạt để có giải pháp bảo tồn, phát huy. Trong quá trình chuẩn bị và triển khai xây dựng các đồ án quy hoạch, cần chủ động phối hợp với các ngành; có kế hoạch đánh giá lại quỹ di sản cảnh quan và kiến trúc đô thị Đà Lạt để có những giải pháp bảo tồn hữu hiệu để giữ gìn những giá trị làm nên bản sắc đô thị Đà Lạt.

Quang cảnh hội thảo

Với  6 bài tham luận của các chuyên gia trong nước và quốc tế được trình bày tại hội thảo đã đưa ra những đánh giá, phân tích, trong đó xác định Đà Lạt là đô thị di sản. Với 18 ý kiến trao đổi trong phần tọa đàm, các chuyên gia đã trao đổi nhiều vấn đề quan trọng xoay quanh mục tiêu công tác quy hoạch và quản lý về di sản cảnh quan, về góc nhìn đô thị di sản và cách ứng xử trong công tác quy hoạch- quản lý phát triển  thành phố Đà Lạt, đưa ra được một số đề xuất và kiến nghị về giải pháp, cơ chế chính sách mới, đột phá để phát triển Đà Lạt theo đúng định hướng quy hoạch được duyệt và sớm trở thành một đô thị di sản, đô thị du lịch nghỉ dưỡng, nổi bật trên bản đồ quốc tế…

Quang cảnh phần tọa đàm trong Hội thảo

Với tiềm năng, giá trị của mình, TP. Đà Lạt đã hội tụ đủ các yếu tố để cấu thành một đô thị di sản. Từ những kết quả của hội thảo, với những đóng góp thiết thực, hữu ích về cơ chế, thể chế, chính sách có tính đột phá sẽ tạo động lực để bảo tồn và phát triển Đà Lạt thành đô thị di sản; xây dựng Đà Lạt trở thành đô thị du lịch, văn hóa, khoa học, xanh và hiện đại. Đóng góp vào sự thành công của Hội thảo còn có sự tham gia của Sở Xây dựng Lâm Đồng, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị tỉnh Lâm Đồng và các vị đại biểu, các chuyên gia trong nước và quốc về tham dự hội thảo. Đặc biệt hội thảo đã nhận được tài trợ quý báu, kịp thời của Tập đoàn TH.

Nhân dịp này, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cũng đã tôn vinh và trao tặng danh hiệu “Vì sự phát triển đô thị Việt Nam năm 2020” cho hai đồng chí lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, giai đoạn 2015 – 2020. Đó là đồng chí Nguyễn Xuân Tiến – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng và đồng chí Đoàn Văn Việt – Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, vì có nhiều thành tích xuất sắc trong xây dựng và phát triển công tác phát triển đô thị tỉnh Lâm Đồng.

Ông Trần Ngọc Chính , Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam trao tặng danh hiệu “Vì sự phát triển đô thị Việt Nam năm 2020” cho đồng chí Đoàn Văn Việt – Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng (giai đoạn 2015 – 2020)

Thanh Ý 

 

Bài viết cũ hơn