Phải làm gì với những con sông trong lòng Hà Nội?

Sông Tô bất ngờ trong xanh sau đợt mưa lớn

Giá trị cảnh quan của các con sông đô thị là vô cùng to lớn. Những dòng sông chảy qua thành phố thường được sử dụng như những tuyến tham quan ngắm cảnh đô thị rất tuyệt vời. Hà Nội trước đây có rất nhiều dòng sông đẹp, một trong dố đó là sông Tô lịch. Nhưng giờ đây con sông này đang bị ô nhiễm nặng, như một dòng sông chết. Vậy, có thể cải tạo sông Tô Lịch để có được dòng sông trong xanh như ngày xưa không? Tác giả bài viết đã đưa ra các giải pháp căn bản, có tính khoa học để giải cứu các con sông của Hà Nội, với mong muốn trả lại giá trị đích thực vốn có của chúng trong cấu trúc tổng thể đô thị Thủ đô.

  1. Giá trị của các con sông trong lòng đô thị

Các con sông trong nội thành Hà Nội có sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Sét, sông Lừ. Theo GS. Lê Văn Lan [1] Tô Lịch xưa là con sông lớn nhất có chiều dài 30 km, lòng sông rộng, thông với sông Hồng và hồ Tây, là đường giao thông thủy quan trọng vào thành Thăng Long. Chỉ sau khi Pháp lấp cửa thông với sông Hồng và cửa Hồ Khẩu (1889) Tô Lịch mới trở thành con sông chết.

 Sông Tô Lịch ngày nay chỉ còn giữ lại được 13,7km chiều dài, từ phường Nghĩa Đô thuộc quận Cầu Giấy, chảy theo đường Bưởi, đường Láng và đường Kim Giang về phía Nam, Tây Nam rồi ngoặt sang phía Đông Nam và đổ ra sông Nhuệ ở Thanh Trì.

Cuối thế kỷ 19, người Pháp đã dùng pháo thuyền theo sông Tô Lịch để đánh chiếm thành Hà Nội. Sông Tô Lịch cũng đã chứng chiến cụ Hoàng Diệu quyết tử chiến giữ Hoàng thành. Sông Tô Lịch gắn liền với lịch sử Thủ đô là vì vậy [1].

Bản đồ Hà Nội cuối thế kỷ 19 (Đồng Khánh Địa Dư Chí)thể hiện sông Tô Lịch còn vẹn nguyên và ôm trọn, cùng với sông Cái (sông Hồng) tạo thành 3 mặt bảo vệ thành Thăng Long [1].
Hà Nội hôm nay [2]
Ở Việt Nam, sông Hàn (Đà Nẵng), sông Hương (Huế), sông Sài Gòn (TP. HCM)… đã và đang được khai thác, nhưng có lẽ còn chưa tương xứng. Tiếc rằng sông Hồng (Hà Nội) với dòng chảy dữ dội, thất thường nên còn chưa có phương án nào chế ngự để biến thành một cảnh quan độc đáo. Vậy, có thể cải tạo sông Tô Lịch để có được như ngày xưa không?

Nước sông Tô vừa trong vừa mát

Em ghé thuyền đến sát thuyền anh

Dừng chèo muốn ngỏ tâm tình

Sông bao nhiêu nước thương mình bấy nhiêu.

Hoặc:

Sông Tô nước chảy trong ngần

Con thuyền buồm trắng lướt gần lướt xa

Thon thon hai mái chèo hoa

Lướt đi, lướt lại như là bướm bay[1]

Đây chính là “ước mơ” của người Hà Nội.

Về môi trường khí hậu: sông, hồ cùng cây xanh góp phần quan trọng làm giảm nhiệt độ đô thị, giảm hiệu ứng “Đảo nhiệt đô thị / Urban heat – Island Effect”. Đây là điều rất đáng quan tâm đối với khí hậu vùng nhiệt đới như Việt Nam. Các con sông còn là những “kênh dẫn gió”, đưa gió mát, gió biển (tuy Hà Nội cách biển khoảng 100 km) vào các khu nhà ở dày đặc trong các đô thị, mang không khí trong lành, mát mẻ cho người dân. Xin nhớ rằng các thành phố Việt Nam có tỷ lệ “không gian xanh / Green Space” rất thấp (Hà Nội là 0,9m2/ người – số liệu năm 2000) trong khi Tổ chức y tế thế giới (WHO) khuyến nghị 10 – 15 m2/ người.

  1. Vì sao sông Tô Lịch (và những sông khác) trở thành “sông chết” và ô nhiễm?

Mặt nước được gọi là sông khi có dòng chảy. Sông là để thu và thoát nước mưa, thoát nước từ nguồn đến nơi thấp hơn, như biển, như hồ. Khi sông không còn dòng chảy là “sông chết”. Sông Tô Lịch chết vì các cổng thông với sông Hồng và hồ Tây đã bị bịt kín như đã nói ở trên. Tuy vậy, việc nối thông trở lại với sông Hồng rất khó thành hiện thực, vì đến mùa nước sông Hồng trở nên rất “hung dữ”. Theo số liệu công bố trước đây, ở mức báo động cao nhất, mực nước sông Hồng cao hơn mặt đất ga Hàng Cỏ tới 10 – 12m. Vì vậy hàng trăm năm qua, nhân dân ta đã bỏ nhiều công sức đắp đê cao dần để chế ngự sông Hồng và sống bình an như ngày nay. Các sông nội thành khác cũng tương tự, đều có dòng chảy rất yếu, trừ khi có những trận mưa lớn, hoặc khi xả lượng lớn nước hồ Tây như thời gian qua.

Nguyên nhân vì sao nước sông Tô không còn “vừa trong vừa mát?. Tất cả chúng ta đều biết: Toàn tuyến sông có hơn 280 cửa cống, xả khoảng 150.000 m3 nước thải ngày đêm. (theo bài báo của tác giả Bá Đô, Tất Định). Còn theo GS. Lê Văn Lan [1], hiện nay trên toàn tuyến sông Tô Lịch có đến 13 điểm xả thải chính xuống lòng sông. Đấy là chưa kể có khoảng 200 cống thoát nước sinh hoạt lớn nhỏ dân sinh và khoảng 100 cơ sở tiểu thụ công nghiệp ở các làng nghề ven sông…Ví dụ thứ hai: Sông Kim Ngưu có chiều dài hơn 3 km cũng thu nhận nước thải (gồm cả nước mưa) của lưu vực cống Lò Đúc (diện tích 351,84 ha), Trần Khát Chân với ước tính 100.000 m3/ ngày (khi không mưa), cộng thêm nước thải của các khu dân cư hai bên sông Kim Ngưu, trong đó có khu đô thị Time City (có trạm xử lý nước thải 3500 m3/ngày) [3].

Một con sông đã gần như không có dòng chảy, hàng ngày lại được đổ thêm hàng trăm ngàn mét khối nước thải sinh hoạt thì làm sao không hôi thối, ô nhiễm???

Phải khẳng định: Sông không phải là nơi nhận nước thải sinh hoạt, mà chỉ để thoát nước mưa. Nếu sông nhận nước thải sinh hoạt từ các khu nhà, dù có dòng chảy lớn, nước sông chắc chắn vẫn bị ô nhiễm. Hôm nay chúng ta không bàn việc quy lỗi cho ai trong việc này, mà bàn việc làm sao cho Tô Lịch và những con sông khác trở nên trong, mát, để Hà Nội lại duyên dáng, thơ mộng như xưa…

  1. Hãy cứu sông Tô Lịch và các sông nội đô khác

Những năm qua Hà Nội đã làm nhiều việc để cứu những con sông này. Một công việc thiết thực rất đáng trân trọng là đã kè bờ các con sông. Gần đây việc mở rộng đường Láng, tạo vườn hoa và đường đi bộ kề sát sông Tô Lịch đã tạo nên cảnh quan vào loại đẹp nhất Hà Nội (Hình 2). Tuy nhiên, người đi dạo vẫn không thể tránh được mùi hôi thối của nước sông!

Đường đi dạo sát sông Tô Lịch cạnh đường Láng

Mấy tháng gần đây, Hà Nội đã áp dụng công nghệ xử lý nước thải Nano-Bioreactor  Nhật Bản và Redoxy3C của Đức cho sông Tô Lịch. Chỉ trong vài tuần, nước trong đoạn xử lý đã trở nên trong, có thể thấy được đáy sông và gần hết mùi hôi thối,  nhưng “Làm sao có thể xử lý được, khi nước thải của hàng trăm nghìn hộ dân, quán ăn, nhà hàng đổ vào sông Tô Lịch?” (Ý kiến rất đúng của Tác giả bài báo Bùi Xuân Ruyên). Tôi nghĩ rằng, công nghệ xử lý của các chuyên gia Nhật Bản rất có hiệu quả, nhưng thực hiện chưa đúng lúc: vừa xử lý, vừa tiếp tục xả thải ô nhiễm vào sông. Vì vậy không bao giờ có thể kết thúc công việc xử lý này được. Nhiều ý kiến cho rằng “làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật mới chỉ là phần ngọn” (Báo Vietnam. Net) là hoàn toàn có lý. Nói đúng hơn chọn thời điểm xử lý “chưa đúng lúc”.

Đầu tháng 7/2019, Công ty Thoát nước Hà Nội đã xả thải hơn một triệu m3 nước từ Hồ Tây vào sông Tô Lịch. Đây là việc làm không những cần thiết, mà tôi còn mong trở thành công việc thường xuyên để tạo dòng chảy cho các sông, đặc biệt trong mùa mưa. Phải làm sao tất cả các dòng sông nội thành phải có dòng chảy từ 1,0 – 1,5 m/s.

  1. Giải pháp kiến nghị

Việc “giải cứu các con sông nội đô” phải được nâng tầm thành một dự án nghiên cứu lớn, nghiêm túc, kinh phí có thể tốn kém và gặp nhiều khó khăn trở ngại, để đạt được hai nội dung cơ bản sau đây:

(1) Tạo được dòng chảy cho các con sông;

(2) Xử lý hết ô nhiễm, nước sông trong xanh trở lại.

Từ những phân tích nói trên, chúng tôi đề xuất kiến nghị ba bước thực hiện sau đây:

Bước một  – việc làm đầu tiên, quan trọng nhất –  là đóng tất cả các cống xả nước thải sinh hoạt vào tất cả các con sông. Nhắc lại: sông không phải để thoát nước thải sinh hoạt. Nước thải sinh hoạt tất cả các khu nhà ở phải được đưa vào một hệ thống thoát nước riêng (không có nước mưa) và dẫn đến các nhà máy xử lý nước thải đã có. Ví dụ  nhà máy xử lý nước Gamuda gần Yên Sở, có công suất hiện nay 125.000 m3/ngày (công suất thiết kế 195.000 m3/ngày). Nước mưa không cần đưa vào các nhà máy này, vì sẽ làm tăng khối lượng, gây quá tải, trong khi nước thải sinh hoạt cho toàn thành phố có thể còn cần thêm nhà máy xử lý. Việc này cần tính toán, thiết kế công phu, hợp lý cho toàn thành phố và có kiểm tra nghiêm ngặt không để bất cứ tái phạm nào trong tương lai.

Như vậy cần có hai (02) hệ thống thoát nước riêng cho Thủ đô: hệ thống cống thoát nước thải sinh hoạt tập trung đưa vào các nhà máy xử lý nước và hệ thống cống thu nước mưa, đưa trực tiếp xuống các dòng sông. Khi đó nước sông sẽ trong xanh trở lại.

Bước hai sau khi đã “cắt hết nguồn ô nhiễm” thải vào các con sông, sẽ tiến hành ứng dụng các công nghệ hiện đại và hiệu quả nhất để xử lý ô nhiễm đã tích lũy. Chúng tôi gọi việc áp dụng công nghệ xử lý Nano-Bioreactor Nhật bản hiện nay chưa đúng lúc là vì vậy.

Bước ba tạo dòng chảy cho các con sông. Nên chăng các sông nội đô được nối với nhau và với  các hồ lớn, có điều tiết chủ động theo mùa khô và mùa mưa (?) Còn việc đưa nước các sông nội đô vào sông Nhuệ hay ra sông Hồng, dù có khó khăn do chênh lệch độ cao, nhưng với công nghệ hiện đại đều có thể giải quyết được.

Nhưng việc này cũng không dễ dàng…

Những ý kiến này, chúng tôi (có tham vấn GS. TS. Trần Hiếu Nhuệ- chuyên gia ngành thoát nước) đã đề xuất trong Hội thảo “Chỉnh trang đô thị và cải tạo môi trường đoạn sông Kim Ngưu” do Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam tổ chức tháng 9- 2018 [3], cụ thể như sau:

Giai đoạn 1: Thoát nước thải sinh hoạt cho các công trình dân sinh hai bên sông trên suốt chiều dài 3 km: tách riêng nước mưa đưa vào sông Kim Ngưu, còn nước thải (tiếp nhận khu vực Lò Đúc, Trần Khát Chân và các công trình hai bên sông) sẽ dẫn thẳng đến nhà máy xử lý nước thải nhằm tránh gây quá tải cho nhà máy xử lý nước thải.

Đề nghị nghiên cứu đặt hai (02) hệ thống cống ngầm thoát nước thải riêng biệt (không có nước mưa), bố trí dưới đường đi bộ hai bên ven sông tới thẳng nhà máy xử lý nước thải Gamuda. Nước mưa từ khu dân cư hai bên sông Kim Ngưu trên suốt chiều dài  hơn 3 km đổ thẳng vào sông theo mương hở/nửa hở, có hệ thống ngăn rác. Như vậy nước sông Kim Ngưu chỉ còn là nước mưa hoặc nước cấp tạo dòng chảy từ 1,0 – 1,5 m/s.

Giai đoạn 2: Xử lý dòng chảy (nước mưa hoặc nước cấp) của sông, cả mùa mưa và mùa khô, xét đến những trận mưa lớn trong phạm vi tù 50 đến 100 năm, thậm chí 200 năm (có xét đến ảnh hưởng của biến đổi khí hậu).

Giai đoạn 3: Đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, dịch vụ kinh doanh ven sông.

  1. Vĩ thanh

Chúng ta hãy tưởng tượng sau khi hoàn thành dự án, nước các sông Hà Nội trở nên trong xanh, vào những đêm trăng, các nam thanh, nữ tú Hà thành có thể bơi thuyền dọc theo các dòng sông – hình ảnh thật lãng mạn và duyên dáng biết bao! Không chỉ có vậy, khách quốc tế đến tư nhiều quốc gia khác nhau cũng ngồi thuyền đi dọc các sông, được ngắm nhìn không chỉ các phố Hà Nội hiện đại, mà còn có các làng ven sông. Hà Nội khi đó sẽ trở nên hấp dẫn, thơ mộng và đáng yêu đến dường nào?

 

PGS. TS. Phạm Đức Nguyên

 

Bài viết cũ hơn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *