Thái Lan: Đi đầu trong phát triển thành phố thông minh ở khu vực ASEAN

Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào cuối năm 2019 Thái Lan đã đưa ra sáng kiến Hành lang kinh tế phương Đông (EEC), nhằm biến ba tỉnh của Thái Lan là Phuket, Sriracha và Bangkok, thành các thành phố thông minh.

Với mục tiêu tạo ra một trung tâm thương mại, đầu tư, giao thông vận tải của khu vực và là cửa ngõ chiến lược ở châu Á, Thái Lan tin rằng dự án này sẽ thúc đẩy sự phát triển thông suốt trên nhiều lĩnh vực tại các quốc gia ASEAN.

Trong sáng kiến Thái Lan 4.0, nước này đặt mục tiêu đạt được 100 thành phố thông minh vào năm 2022, nhằm biến Thái Lan thành một quốc gia có thu nhập cao với chất lượng cuộc sống được cải thiện rất nhiều ở các trung tâm đô thị. 27 thành phố thông minh của Thái Lan đã được đưa vào chương trình City Possible – Mạng lưới phát triển thành phố thông minh toàn cầu, vốn được thiết kế để hỗ trợ đưa các ứng dụng công nghệ đi vào đời sống sinh hoạt của người dân.

Đối với thành phố thông minh, hai lĩnh vực quan trọng nhất là môi trường và kinh tế, bởi một thành phố thông minh chỉ có ý nghĩa khi nó không làm xấu đi môi trường. Ô nhiễm và hạn hán là hai vấn đề môi trường quan trọng nhất mà người Thái phải đối mặt. Vì vậy cần giúp cho chính quyền địa phương bằng cách trang bị cho họ công nghệ; chẳng hạn như cảm biến, hệ thống dữ liệu tích hợp, bản sao kỹ thuật số để theo dõi và dự đoán các thảm họa có thể xảy ra.

Việc thiết lập một bộ khung thống nhất cho thành phố thông minh cùng với việc thử nghiệm thành công một số dự án cụ thể đã giúp Thái Lan tiến gần hơn đến mục tiêu phát triển thành phố thông minh của mình.

Việc đổi mới cơ sở hạ tầng cũng đi kèm với những thách thức và trở ngại. Về mặt sử dụng hiệu quả các nguồn lực và công nghệ, ba thách thức quan trọng đặt ra trước mắt đó là: tư duy của các nhà lãnh đạo thành phố, các quy định hiện hành và khả năng hành động.

ASEAN hiện đang định hướng cho 26 thành phố trong ASCN trở thành các đô thị thông minh, điều này sẽ tạo ra sự bền vững cũng như những cơ hội kinh tế-xã hội và đầu tư. Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN bao gồm 26 thành phố ở các quốc gia thành viên ASEAN là Bandar Seri Begawan, Bangkok, Chonburi, Phuket, Banyuwangi, Battambang, Cebu, Đà Nẵng, Davao, Jakarta, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Johor Bahru, Kota Kinabalu, Kuala Lumpur, Kucing, Luang Prabang, Makassar, Mandalay, Manila, Naypyidaw, Phnom Penh, Siem Reap, Singapore, Vientiane và Yangon. Tất cả 26 thành phố này đều có tiềm năng lớn cho phát triển, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng, kết nối dữ liệu, hệ thống công nghệ số và văn hóa./.

 Nguồn từ: Theaseanpost & baochinhphu.vn

Bài viết cũ hơn